Trung Quốc ngập hàng tồn kho

Sau 3 thập niên tăng trưởng nóng, Trung Quốc đang vấp phải một vấn đề mới phát sinh: hàng tồn kho ùn ứ trong các cửa hàng, các đại lý xe hơi, cũng như các kho của nhà máy.

Sau 3 thập niên tăng trưởng nóng, Trung Quốc đang vấp phải một vấn đề mới phát sinh: hàng tồn kho ùn ứ trong các cửa hàng, các đại lý xe hơi, cũng như các kho của nhà máy.

Mức độ nghiêm trọng hàng tồn kho của Trung Quốc đã được chính phủ che đậy cẩn thận bằng cách phong tỏa hoặc điều chỉnh dữ liệu kinh tế, nhằm vực dậy niềm tin trong giới quản trị kinh doanh và nhà đầu tư. Tuy nhiên, cuộc khảo sát HSBC/Markit đối với các nhà sản xuất ở Trung Quốc cho thấy lượng tồn kho thành phẩm trong tháng 8 tăng nhanh hơn nhiều so với bất cứ tháng nào kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 4-2004.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và được xem như đầu kéo lớn nhất của tăng trưởng kinh tế thế giới kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu vào năm 2008. Tuy nhiên, trên thực tế xuất khẩu, trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc trong 3 thập niên qua, đã gần như ngừng tăng trưởng.

Nhập khẩu cũng bị đình trệ, đặc biệt đối với nguyên liệu thô như quặng sắt để sản xuất thép, do giới công nghiệp đã mất niềm tin rằng họ có thể tiêu thụ sản phẩm nếu tiếp tục cho nhà máy hoạt động. Giá bất động sản đã giảm, tiền đang chảy khỏi Trung Quốc thông qua các kênh hợp pháp và bất hợp pháp. Những cuộc phỏng vấn với các ông chủ và nhà quản lý doanh nghiệp trên một loạt các ngành công nghiệp Trung Quốc, đã cho thấy một bức tranh trùng điệp những núi hàng hóa tồn kho.

Các chủ doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm đa dạng như máy hút ẩm, ống nhựa cho các hệ thống thông gió, tấm pin mặt trời, drap trải giường và dầm thép làm trần giả cho biết doanh số đã giảm trong năm qua và rất ít dấu hiệu phục hồi.

Trung Quốc tràn ngập hàng tồn kho.

Trung Quốc tràn ngập hàng tồn kho.

Một phần của vấn đề là các nhà lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đặt quan ngại về chất lượng của cuộc sống lên trên mục tiêu tối đa hóa tăng trưởng kinh tế khi đề cập đến chính sách đối với 2 trong số các ngành công nghiệp lớn nhất của đất nước: nhà ở và xe hơi.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã áp đặt một lệnh cấm nghiêm ngặt về việc mua từ 2 căn nhà trở lên với hy vọng ngăn chặn đầu cơ bất động sản sẽ giúp cải thiện khả năng mua nhà của các hộ gia đình. Lệnh cấm đã dẫn đến một sự lao dốc giá bất động sản dân cư, sự sụt giảm mạnh trong xây dựng nhà ở và tình trạng mất việc làm của công nhân xây dựng.

Đồng thời, chính quyền Quảng Châu, một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc, hè này đã giảm mạnh số lượng đăng ký xe mới nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Giới chức các thành phố khắp Trung Quốc đã đổ xô đến Quảng Châu để học hỏi kinh nghiệm và mới đây, Tây An đã tuyên bố sẽ hạn chế đăng ký xe mới.

Ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc đã phát triển gấp 10 lần trong thập kỷ qua như một thách thức lớn đối với Detroit. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, quá nhiều nhà máy xe hơi mọc lên ở Trung Quốc nên ngành công nghiệp đang hoạt động chỉ khoảng 65% công suất, thấp hơn nhiều so với mức 80% cần thiết để có lợi nhuận. Bây giờ, xe hơi tồn kho đang tăng vọt tại các đại lý trên toàn quốc.

Nửa đầu năm 2012, số lượng xe các nhà sản xuất bán sỉ cho các đại lý tăng gần 600.000 chiếc (9%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xe hơi mới nằm tồn kho ở các đại lý tăng 900.000 chiếc lên 2.200.000 chiếc.

Tình trạng tràn ngập tất cả mọi thứ từ thép và thiết bị gia dụng cho tới xe hơi và địa ốc đang cản trở những nỗ lực muốn nổi lên từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu của Trung Quốc. Tình trạng ngập ứ hàng tồn kho đã kích hoạt một loạt cuộc chiến giá cả và buộc các nhà sản xuất nỗ lực gấp đôi để xuất khẩu những gì họ không thể bán trong nước.

Các tin khác