Trung Quốc đổ tiền “mua” ảnh hưởng Hoa Kỳ

(ĐTTCO) - Vừa qua, Ủy ban chuyên trách về Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ (CECC) đã tổ chức một buổi điều trần có chủ đề Cánh tay nối dài của Trung Quốc để xem xét tình trạng Bắc Kinh đang xây dựng ảnh hưởng chính trị tại Hoa Kỳ. 
 
Tại buổi điều trần, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đồng Chủ tịch CECC, cho rằng: “Nỗ lực của Trung Quốc để ảnh hưởng tới chính sách và các quyền tự do cơ bản của Hoa Kỳ là một nỗ lực toàn diện, không chỉ nhằm mục đích thuyết phục mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn với Trung Quốc mà còn làm phương hại đến lợi ích người dân ngay trong lòng Hoa Kỳ”. 
Theo tờ Washington Post, chiến lược của Trung Quốc ở Hoa Kỳ trước hết là chặn đứng những chỉ trích về Trung Quốc và sau đó là lôi kéo những người có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ ủng hộ luận điệu của Trung Quốc. Một trong những dẫn chứng Thượng nghị sĩ Marco Rubio đưa ra là các Viện Khổng Tử chính phủ Trung Quốc mở tại các trường đại học ở Hoa Kỳ vẫn hoạt động theo những hợp đồng không rõ ràng và thường bị chỉ trích can thiệp vào các hoạt động giảng dạy có liên quan đến Trung Quốc. Do đó, các hoạt động tài trợ của Bắc Kinh cho các nghiên cứu của các viện chiến lược và các quan hệ đối tác trí thức cần được xem xét kỹ lưỡng.
Tạp chí Foreign Policy từng có bài viết mô tả việc ông Đổng Kiến Hoa, từng nắm giữ chức vụ Trưởng đặc khu hành chính Hồng Công, hiện là Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, bỏ tiền ra tài trợ các công trình nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp (SAIS) của Đại học John Hopkins thuộc Viện Brookings và các cơ quan khác thông qua Quỹ Trao đổi Trung-Mỹ (CUSEF). Những cơ quan nhận tiền tài trợ của Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh rằng tính độc lập về mặt học thuật của họ vẫn được đảm bảo.
Trung Quốc đổ tiền “mua” ảnh hưởng Hoa Kỳ ảnh 1 Một số trường đại học ở Hoa Kỳ bị chỉ trích can thiệp vào hoạt động giảng dạy có liên quan đến Trung Quốc. 
Nhưng trong bối cảnh các cơ quan này đang rất cần tiền, tính độc lập đó bị lung lay bởi các khoản tài chính từ Trung Quốc. Từ đó, các nhà nghiên cứu hiểu rằng họ không nên can thiệp vào chuyện của Trung Quốc nếu muốn được tài trợ; còn các nhà xuất bản không đăng những bài báo chỉ trích Bắc Kinh để được tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Glenn Tiffert, nhà nghiên cứu tại Viện Hoover, nhận định: “Bằng cách gây ảnh hưởng với các nhân vật có ảnh hưởng của Hoa Kỳ, Trung Quốc đang dùng chính người Hoa Kỳ để truyền bá thông điệp của Bắc Kinh đến với người dân nước này. Cách làm này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc các quan chức Trung Quốc đích thân vận động”. 
Các cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các nước như Australia, New Zealand và Canada rúng động bởi các thông tin bị phanh phui về các nỗ lực của Bắc Kinh tìm cách gây ảnh hưởng lên các chính trị gia, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp tại các nước này. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull mới đây ban hành lệnh cấm nước ngoài tài trợ chính trị vì lý do “những quan ngại ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Thượng nghị sĩ Sam Dastyari thuộc đảng Lao động Australia, bị cáo buộc ủng hộ hành động của Trung Quốc trên biển Đông, đi ngược với với lập trường của đảng Lao động để đổi lại sự tài trợ của doanh nhân Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc. Ông Dastyari còn bị cáo buộc đã khuyên ông Hoàng Hướng Mặc phải làm sao để tránh sự theo dõi của phía Australia trong lúc cơ quan tình báo nước này đang tiến hành theo dõi ông này.

Các tin khác