Trung Quốc - 1kg thép bằng 1 bó rau

Nhu cầu thép tại Trung Quốc đã đẩy giá ở một số nơi xuống ngang ngửa bắp cải, trong bối cảnh lượng tiêu thụ thép trong năm nay ở nền kinh tế số 2 thế giới sẽ giảm lần đầu tiên trong 19 năm.

Nhu cầu thép tại Trung Quốc đã đẩy giá ở một số nơi xuống ngang ngửa bắp cải, trong bối cảnh lượng tiêu thụ thép trong năm nay ở nền kinh tế số 2 thế giới sẽ giảm lần đầu tiên trong 19 năm.

Một số loại thép thanh vằn, sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, giảm còn 2.600NDT (424USD)/tấn ở thị trường phía Bắc Trung Quốc trong tuần này, theo trang web SteelHome chuyên về ngành công nghiệp sắt thép. Đây là mức giá tương đương với 1 tấn bắp cải bán lẻ. Trong nhiều năm qua, tiêu thụ thép ở Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ nhờ sự bùng nổ nhu cầu đối với tủ lạnh, siêu thị, toa xe lửa và nhà kính hiện đang cho phép dân Bắc Kinh thưởng thức các loại rau tươi trong cả mùa đông dài.

Nhưng nhu cầu này giảm mạnh sau khi kinh tế Trung Quốc tăng chạm đỉnh. Trong khi đó, bắp cải đang vào mùa khan hiếm. Những chiếc xe tải chất đầy rau không còn đổ về Bắc Kinh tấp nập như trước đây, khi mùa thu đã sắp đi qua và các cư dân đang chuẩn bị dự trữ rau quả cho mùa đông rét mướt.

“Sự sụt giảm nhu cầu thép là một xu hướng dài hạn” - theo ông Li Xinchuang của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), đại diện cho các nhà máy lớn nhất của quốc gia. Dữ liệu của CISA cho thấy lượng tiêu thụ thép giảm trong cả tháng 7 và tháng 8 so với năm trước.

Ông Li cho biết sự suy giảm tiếp tục trong tháng 9. Tiêu thụ thép sụt giảm trong quý III chủ yếu do hoạt động xây dựng nhà cửa chậm lại. Nếu tình hình không khá hơn trong quý IV, 2014 sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 1995 tiêu thụ thép ở Trung Quốc giảm. "Tất cả các chỉ số cho thấy khả năng phục hồi kinh tế trong quý IV không mạnh” - theo Song Chunlei, Phó Giám đốc của Công ty tư vấn LGMI ở Bắc Kinh. Ông cho biết các nhà máy ở Đường Sơn, trung tâm của ngành công nghiệp thép Trung Quốc, đã phải lên kế hoạch cắt giảm sản lượng cho phần còn lại của năm.

Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu GDP quý III vào tuần tới. Nhiều nhà phân tích dự báo đó sẽ là kết quả èo uột nhất kể từ đầu năm 2009, khi Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Và dù tổng GDP có cải thiện, cũng không đồng nghĩa lĩnh vực sắt thép khá hơn. Xuất khẩu thép đang phình to cũng là một dấu hiệu khác cho thấy các nhà máy thép Trung Quốc đang sản xuất vượt cầu.

Xuất khẩu đạt mức kỷ lục 8,5 triệu tấn vào tháng trước, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận ở các thị trường nước ngoài. Xuất khẩu thép trong 9 tháng năm 2014 tăng tới 39%. Giá quặng sắt toàn cầu liên tục giảm cũng giúp giảm chi phí cho các nhà máy và cho phép họ bán thép với giá rẻ hơn. Giá thép trung bình ở Trung Quốc đã giảm 13% trong năm nay.

Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, giá thép vằn chỉ ngang ngửa cải bắp.

Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, giá thép vằn chỉ ngang ngửa cải bắp.

Tháng trước, báo chí Trung Quốc loan tin Công ty Sinosteel, một nhà nhập khẩu quặng sắt chủ yếu của các công ty thép trong nước, đang nắm ít nhất 12,6 tỷ USD các khoản vay quá hạn từ 9 ngân hàng lớn nhất nước và đang yêu cầu chính quyền trung ương ứng cứu 3,2 tỷ USD. Sinosteel sau đó thừa nhận khoản nợ, nhưng bác bỏ việc phải cầu cứu chính phủ. Đây là 1 trong 113 công ty lớn được chính quyền trung ương quản lý trực tiếp.

Mặc dù xuất phát điểm là một công ty thương mại đơn thuần, Sinosteel đã mở rộng mạnh mẽ trong những năm gần đây, mua vào cả các nhà máy thép trong nước và các dự án khai thác khoáng sản từ châu Phi đến Australia. Theo Huang Weiping, Giáo sư kinh tế học của Đại học Renmin ở Bắc Kinh, có thể Sinosteel buộc phải bán một số tài sản hoặc cho phép các công ty bên ngoài nắm cổ phần để giải quyết món nợ khổng lồ trên.

Các tin khác