Triển vọng kinh tế Mỹ 2019

(ĐTTCO) - Năm 2019, người Mỹ sẽ bắt đầu cảm nhận được những tác động tiêu cực do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc mà chưa đến ngưỡng cửa suy thoái. Ông Maurice Obstfeld - nhà kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - đã đưa ra nhận định trên khi trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal và Financial Times.
Theo ông Obstfeld, căn cứ số liệu tổng quan ở thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới sẽ tiếp tục giảm sâu hơn trong năm 2020. Trước đó, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 2,8% dự kiến trong năm 2018, còn 2,5% vào năm 2019. IMF cho rằng tình trạng kinh tế trở nên yếu kém hơn cũng sẽ được ghi nhận ở cả châu Á và châu Âu và điều này một lần nữa sẽ tác động ngược trở lại kinh tế Mỹ. 
Ông Obstfeld cho rằng các xung đột thương mại Mỹ-Trung, cũng như giữa Washington với các đối tác thương mại khác, bao gồm châu Âu, là yếu tố đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này bác bỏ nguy cơ thế giới sẽ phải chứng kiến một cuộc đại suy thoái như những năm 30 của thế kỷ trước - thời điểm giao thương hoàn toàn đứt đoạn do sức ép từ các biện pháp siết chặt thương mại. IMF ước tính cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm 0,8% đến năm 2020. 
Triển vọng kinh tế Mỹ 2019 ảnh 1 Bên trong một trung tâm phân phối hàng của Amazone ở Baltimore, Mỹ. 
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của UBS Global Wealth Management dự đoán đồng USD có thể sẽ yếu đi một thời gian trong năm 2019, bất chấp sự ổn định giá trong ngắn hạn nhờ môi trường lãi suất thuận lợi ở Mỹ và thị trường biến động. Trong báo cáo Hướng đến năm 2019, UBS Global lưu ý đồng USD đã và đang được định giá quá cao nhờ “các chênh lệch tích cực về lãi suất ngắn hạn” so với những quốc gia khác, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất. Ưu thế của đồng bạc xanh có thể giảm đi trong năm tới bởi đồng tiền này sẽ chịu sức ép đi xuống cả ở trong nước lẫn từ tình hình địa chính trị ở bên ngoài. 
Trái với IMF dự báo không mấy khả quan cho kinh tế Mỹ trong năm 2019, báo cáo công bố cuối năm của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho rằng các doanh nghiệp dự báo tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh lạc quan hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2019 với giá trị tài sản gia tăng, lợi nhuận biên cao hơn, đầu tư và tuyển dụng lao động tiếp tục gia tăng.
Tuy vậy, tình hình hoạt động kinh doanh trong nửa sau năm 2019 của các doanh nghiệp Mỹ được dự báo sẽ không mạnh như năm 2018 khi hoạt động thương mại chịu tác động bất lợi do cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ-Trung và đồng USD mạnh lên. Nghiên cứu công bố của ISM cũng cho thấy các mức thuế quan mà Mỹ và Trung đã và có thể áp dụng sẽ tác động tiêu cực tới lĩnh vực chế tạo Mỹ, thậm chí dù một số doanh nghiệp có thể điều chỉnh hoạt động để tồn tại trước những ảnh hưởng bất lợi của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.  Ngoài ra, các doanh nghiệp dự kiến tăng đầu tư vào hoạt động kinh doanh thêm 6% trong năm 2019, thấp hơn mức tăng 13,4% năm 2018. 
Ông Timothy Fiore, một quan chức của ISM, cho rằng hoạt động kinh doanh trong nửa sau năm 2019 dự kiến kém hơn so với nửa đầu năm 2019 trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu sụt giảm. Các doanh nghiệp chế tạo dự đoán hoạt động xuất khẩu sẽ giảm mạnh trong năm 2019. Trong năm 2019, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2%, cao hơn một chút so với 3,1% năm nay và tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần xuống ngưỡng khoảng hơn 2%.
Tăng trưởng ngắn hạn duy trì ở mức khá mạnh do tác dụng kích cầu của chính phủ và chỉ số niềm tin doanh nghiệp và niềm tin tiêu dùng khá cao. Trước đó, các chuyên gia kinh tế của tổ chức nghiên cứu độc lập The Conference Board cho rằng chỉ số tăng trưởng năng suất lao động của Mỹ phải đạt được mức cao hơn hiện nay mới có thể giúp nước Mỹ tránh được rủi ro rơi vào suy thoái kinh tế.

Các tin khác