Bình ổn giá tại TPHCM

Bài 2: Siêu thị khát hàng bình ổn

Người tiêu dùng TPHCM vốn đã quen với việc mua sắm tại các chợ bán lẻ, nhưng từ khi chương trình bình ổn giá được triển khai, nhiều người đã chuyển sang mua sắm tại các siêu thị, do những nơi này đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy cung cấp nguồn hàng bình ổn. Thế nhưng bên cạnh những ưu điểm vẫn còn nhiều bất cập.

Người tiêu dùng TPHCM vốn đã quen với việc mua sắm tại các chợ bán lẻ, nhưng từ khi chương trình bình ổn giá được triển khai, nhiều người đã chuyển sang mua sắm tại các siêu thị, do những nơi này đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy cung cấp nguồn hàng bình ổn. Thế nhưng bên cạnh những ưu điểm vẫn còn nhiều bất cập.

Lúc có, lúc không

Hưởng ứng chương trình bình ổn giá, nhiều siêu thị tại TPHCM đã đăng ký bán hàng bình ổn để phục vụ nhu cầu của người dân. Hầu hết siêu thị đều có gian hàng bình ổn giá, chuyên cung cấp những mặt hàng của các DN đăng ký tham gia bình ổn. Do giá các mặt hàng tại siêu thị được bình ổn, nên đã xảy ra hiện tượng chen nhau vào siêu thị gom hàng.

Điểm bán hàng bình ổn giá tại co.opmart Cống Quỳnh. Ảnh: LÃ ANH

Điểm bán hàng bình ổn giá tại co.opmart Cống Quỳnh. Ảnh: LÃ ANH

Từ khi chương trình bình ổn giá được triển khai tại các siêu thị, chị Lê Ngọc Minh ở quận 3 thường xuyên đến mua hàng tại đây, chị nhận xét: “Việc bán hàng bình ổn tại các siêu thị có hiệu quả hơn so với bán tại các điểm bán bình ổn bên ngoài, bởi siêu thị có sẵn địa điểm bán, công khai chương trình rõ ràng bằng băng rôn và trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, cũng có một hạn chế là phạm vi gian hàng bình ổn trong các siêu thị khá khiêm tốn, số lượng sản phẩm được bày bán cũng hạn chế. Vì vậy, những khi nhân viên siêu thị vừa bày hàng ra kệ, nhiều người phải tranh nhau, chen lấn cốt để mua được hàng”.

Nhiều người tiêu dùng cũng không hài lòng khi bị khống chế chỉ được mua một lượng hàng nhất định. Thế nhưng mua được đã là may, vì không phải lúc nào cũng có hàng để mua. Chị Nguyễn Phương Nga ở quận Bình Thạnh phản ánh, vài ngày trước, chị đến siêu thị Co.opMart Nhiêu Lộc mua đường và dầu ăn bình ổn, nhưng trên kệ hàng trống trơn, chỉ còn những sản phẩm không phải là hàng bán với giá bình ổn, như đường La Ngà, RE Biên Hòa; dầu ăn Tường An, Neptune, Marvela. Khi được hỏi, nhân viên siêu thị cho biết đã hết hàng bình ổn trong ngày, phải chờ đến hôm sau, nhưng hôm sau đến cũng nhận được câu trả lời như vậy. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh, Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu và nhiều siêu thị khác.

 Hạn chế gom hàng

Do có sự chênh lệch giá khá cao giữa hàng bình ổn và các mặt hàng cùng loại khác trên thị trường, nên nhiều người ùn ùn kéo nhau đi mua hàng bình ổn. Có không ít trường hợp việc bán hàng bình ổn quá nhỏ giọt. Chẳng hạn Công ty Vĩnh Thành Đạt yêu cầu chỉ được bán 2-3 vỉ trứng/mỗi khách hàng, chuỗi cửa hàng FoocoMart thuộc Công ty TNHH MTV Lương thực TPHCM quy định chỉ bán cho mỗi khách hàng 3kg đường hoặc 3 chai dầu ăn.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết: Trong số 8 mặt hàng thiết yếu được bình ổn giá năm 2010 và Tết Tân Mão, có 4 mặt hàng có sức mua cao, thường xuyên gây ra tình trạng sốt hàng là gạo, dầu ăn, đường và thực phẩm chế biến. Như vậy, việc bình ổn những mặt hàng này có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của người dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lợi dụng chương trình bình ổn giá để đầu cơ mua hàng giá rẻ rồi bán lại với giá cao để thu lời, vì vậy có lúc Saigon Co.op đã phải đưa ra quy định mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2kg đường/ngày để hạn chế tình trạng gom hàng trục lợi.

Khi đã hạn chế lượng hàng, nhưng người tiêu dùng vẫn không mua được hàng là do lỗi của nhà cung cấp. Nhất là vào những ngày cuối chương trình, khách hàng muốn mua hàng bình ổn với số lượng ít cũng không có. Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều siêu thị không còn dầu ăn bình ổn để bán cho người tiêu dùng, do các nhà cung cấp dừng giao hàng bình ổn.

(Còn tiếp)

Các tin khác