Du lịch-Loay hoay đánh thức tiềm năng (K1)

Kỳ 1: Thiên đường bị bỏ phí LTS: Thời gian gần đây, tin vui liên tiếp đến với du lịch Việt Nam. Đó là việc động Sơn Đoòng (Quảng Bình) lên sóng trực tiếp truyền hình Hoa Kỳ để du khách toàn cầu xem. Tiếp đến, Việt Nam tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh trên bản đồ du lịch thế giới. Rồi danh thắng Hạ Long tiếp tục lọt vào danh sách 15 kỳ quan núi đá vôi đẹp nhất hành tinh… Những thông tin này một lần nữa khẳng định tiềm năng du lịch nước nhà. Thế nhưng để tiềm năng trở thành động lực phát triển vẫn là vấn đề nan giải.

Kỳ 1: Thiên đường bị bỏ phí

LTS: Thời gian gần đây, tin vui liên tiếp đến với du lịch Việt Nam. Đó là việc động Sơn Đoòng (Quảng Bình) lên sóng trực tiếp truyền hình Hoa Kỳ để du khách toàn cầu xem. Tiếp đến, Việt Nam tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh trên bản đồ du lịch thế giới. Rồi danh thắng Hạ Long tiếp tục lọt vào danh sách 15 kỳ quan núi đá vôi đẹp nhất hành tinh… Những thông tin này một lần nữa khẳng định tiềm năng du lịch nước nhà. Thế nhưng để tiềm năng trở thành động lực phát triển vẫn là vấn đề nan giải.

Đẹp nhưng không hấp dẫn?

Với 16 di sản được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới, hơn 40.000 di tích và danh lam thắng cảnh phong phú trải đều khắp cả nước, Việt Nam có một thế mạnh không thể phủ nhận để khai thác du lịch. Tuy nhiên, trong 11 tháng qua (từ tháng 6-2014 đến tháng 4-2015) lượng khách du lịch nước ngoài đến nước ta giảm nghiêm trọng. Không hấp dẫn khách quốc tế, du lịch nội địa èo uột là bài toán suốt 5 năm qua ngành du lịch Việt Nam loay hoay tìm đường gỡ.

Nếu cứ để tình trạng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục sụt giảm như hiện nay sẽ rất bất lợi cho ngành du lịch trong nước khi các nước láng giềng đang có những bước tăng trưởng đáng kể. Khi lượng khách quốc tế giảm quá sâu chúng ta sẽ rất khó để vực dậy giống như một thương hiệu đã bị mất niềm tin.

Ông Vũ Thế Bình,
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Hạ Long có thể coi là một thí dụ đầy nuối tiếc về một thiên đường du lịch đang bị bỏ phí. Với cảnh quan tuyệt đẹp đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, nhiều lần lọt top các kỳ quan “kinh ngạc” hay kỳ quan “nổi bật” do các trang web uy tín bình chọn, lại có một hệ thống các đảo tuyệt đẹp trong Vịnh Bắc bộ như Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, cách Hà Nội chưa đến 200km… Hạ Long có đủ điều kiện để trở thành một thiên đường du lịch, có thể giữ chân khách nhiều ngày với nhiều loại hình du lịch từ khám phá, mạo hiểm cho đến nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, một thực tế dễ thấy là nhiều năm qua, dù được xem đã tập trung đầu tư, “mâm cỗ” du lịch Hạ Long vẫn độc nhất một món: lên tàu đi thăm vịnh, lên bờ và về. “Món ăn” này dù có được điểm xuyết bằng du thuyền siêu sang hay các hình thức văn nghệ dân gian trên vịnh, một vài môn thể thao khám phá… cũng dễ dàng khiến cho người ta “ngấy”. Hạ Long hùng vĩ và diễm lệ cũng dần trở thành nhàm chán, kém hấp dẫn.

Chưa kể tình trạng chỉ chờ vào khai thác di sản mà lơ là giữ gìn, bảo tồn đã khiến vịnh này nhanh chóng quá tải. Với số khách tham quan hàng năm khoảng 2,5 triệu lượt người, hơn 500 tàu thuyền các loại vận chuyển hàng ngàn lượt khách mỗi ngày, trong đó ngày cao điểm hơn 20.000 lượt người đi thăm vịnh, có thể thấy di sản này đang phải gồng mình trước sức ép từ ngành du lịch.

Cũng giống như Hạ Long, với lợi thế đường bờ biển dài, nhiều đảo, du lịch biển là một thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có thành phố biển hay hòn đảo nào đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách.

Điển hình là ngoài việc tắm biển, du khách không biết làm gì bởi hệ thống dịch vụ đi kèm như câu lạc bộ, quán bar, quán cà phê, các phương tiện giải trí hay các môn thể thao gắn liền với biển như dù lượn, cano lướt sóng, lặn biển… còn rất nghèo nàn và chưa chuyên nghiệp. Nhìn sang các nước láng giềng như Indonesia với Bali, Philippines với Boracay hay Thái Lan với Phuket… có thể thấy rõ sự ngậm ngùi dành cho Phú Quốc, Côn Đảo, Nam Du, Lý Sơn… khi xét về cảnh quan, các hòn đảo này không hề thua kém nhiều.

Không chỉ du lịch biển, du lịch miền núi cũng không khá hơn. Hà Giang là một địa danh quen thuộc đối với khách du lịch trong nước, với cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu cùng với một hệ thống cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp, văn hóa bản địa độc đáo, đa dạng. Tuy nhiên, cho đến nay du lịch Hà Giang vẫn hoạt động theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”.

Matt Johson, một du khách Hoa Kỳ từng đi xuyên Việt theo hình thức Easyrider tour (du lịch bằng xe máy và hướng dẫn viên là người chở) đã thẳng thắn chia sẻ: “Hà Giang thực sự tuyệt đẹp, nhưng du khách chủ yếu sẽ lướt qua và chụp ảnh, bởi nếu muốn tìm hiểu thêm về văn hóa các dân tộc thiểu số cũng không thể tìm ra chỗ lưu trú, không có dịch vụ, thậm chí đến việc muốn rút thêm tiền cũng khó”.

Nhiều nhưng thiếu điểm nhấn

Trong một hội thảo về kích cầu du lịch, một chuyên gia về du lịch đã từng ví von “du lịch Việt Nam như cô gái đẹp bên bờ biển Đông, nhưng có lẽ hơi vô duyên. Đẹp nên người ta tìm đến nhưng vô duyên nên đa phần du khách đều… một đi không trở lại”. Đây là thực tế đau lòng của ngành công nghiệp không khói suốt thời gian dài nước ta chưa tìm ra cách giải.

Thậm chí, không những không quay lại, lượng khách đến còn ngày một sụt giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ tháng 6-2014 đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục sụt giảm, kể cả những thị trường vốn được xem là tiềm năng nhất là châu Á. Tính đến thời điểm tháng 5-2015, lượng khách quốc tế đã giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xu hướng khách trong nước du lịch nước ngoài ngày càng tăng bởi giá vé máy bay rẻ, chi phí cũng không quá đắt đỏ, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia…

Ngoài việc khó khăn chung của kinh tế thế giới ảnh hưởng đến khách du lịch, cơ chế quản lý còn bất cập, thủ tục visa phức tạp, giá thành chưa tốt, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam chưa mạnh, nhân lực trong ngành du lịch yếu do thiếu đào tạo, nhiều quá hóa đại trà, thiếu điểm nhấn, hay việc không có sự am hiểu thấu đáo về di sản, cảnh quan… là những nguyên do khiến “cô gái đẹp” trở nên “vô duyên”.

Tài nguyên du lịch chúng ta không thiếu, trên rừng dưới biển có đủ. Nhưng chúng ta chưa có một clip quảng bá những tài nguyên đó ra tấm ra miếng. Hơn 10 năm trước, các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giống Việt Nam ở vạch xuất phát ban đầu về xúc tiến, quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp. Song cho đến giờ này chúng ta đang bị họ bỏ xa.

Ông Trần Anh Giang,
Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt

Để hiểu rõ hơn về những điều này, có thể lấy thêm thí dụ về Sơn Đoòng - câu chuyện du lịch Việt Nam được coi nóng nhất thời gian vừa qua. Được xem là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới với cảnh quan độc đáo, tuyệt mỹ, lại xuất hiện trên sóng trực tiếp của đài ABC News, Hoa Kỳ, Sơn Đoòng đang đứng trước cơ hội trở thành điểm nhấn mới cho du lịch Quảng Bình cũng như du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, với những loay hoay từ trước đến nay như khai thác thế nào khi quy mô của hang động này chúng ta chưa nắm được, thậm chí đề xuất làm cáp treo khiến không ít người cảm thấy bất an cho tương lai của Sơn Đoòng. Bà Ngô Nữ Quỳnh Trang, cán bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Bình, bày tỏ lo ngại sự phát triển du lịch kéo theo việc mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng phục vụ du khách sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho cảnh quan, môi trường Phong Nha - Kẻ Bàng.

“Việc đầu tư các công trình hạ tầng ồ ạt thời gian qua gián tiếp tạo thuận lợi cho khai thác gỗ, săn bắn thú rừng trái phép. Mặt khác, quá trình xây dựng đã thải ra môi trường một số lượng chất thải đáng kể, gây khói bụi” - bà Trang đánh giá. Đây đang là câu chuyện phổ biến tại Việt Nam, với rác ngập trên đỉnh Fansipan hay công trình bằng xi măng khô cứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, một trong những danh thắng nổi tiếng nhất của Hà Giang.

Giữ chân du khách - cách nào?

Trên thực tế, nếu đặt lên bàn cân kinh tế, du lịch Việt Nam đang đứng trước những mâu thuẫn không nhỏ về cung - cầu. Câu hỏi “bán” cái ta có hay “bán” cái du khách cần, tưởng chừng có câu trả lời rất rõ ràng nhưng lại không dễ để thực hiện. Ngay cả Đà Nẵng - TP được xem có sức hút về du lịch với hạ tầng ngày một hoàn thiện và dịch vụ khá phong phú hiện nay, cũng đã từng phải đối mặt với câu hỏi: trở thành TP du lịch hay TP lớn.

Chính vì vậy, việc Quảng Ninh, Hà Giang hay Quảng Bình bối rối với con đường phát triển du lịch của mình là điều dễ hiểu. Và thực tế tại các địa phương này cho thấy ngành du lịch đang bán cái có, đang “ăn” vào di sản, “ăn” vào cảnh quan mà quên mất rằng dịch vụ mới là phần quan trọng để giữ chân du khách.

Vịnh Hạ Long có đầy đủ điều kiện để trở thành thiên đường du lịch, nhưng tiềm năng này đang bị bỏ phí.

Vịnh Hạ Long có đầy đủ điều kiện để trở thành thiên đường du lịch,
nhưng tiềm năng này đang bị bỏ phí.

Theo nhiều chuyên gia, nước ta có nhiều di sản, tài nguyên thiên nhiên nhưng khai thác chưa được bao nhiêu, thậm chí còn tàn phá di sản.

“Để có được một di sản thế giới phải mất hàng trăm triệu năm, nhưng để phá rất nhanh, chỉ cần vài cáp treo, cầu, khai thác quá mức… Việc bảo vệ hiện nay mới chủ yếu nằm… trên giấy. Thêm nữa, cần phải hiểu rằng bản thân di sản, nền văn hóa không phải là du lịch mà chỉ là nguyên liệu thô. Du lịch sẽ phát triển như thế nào nếu đường vào di sản không có, du khách không được bảo vệ…” - một chuyên gia bức xúc.

Mới đây, tại hội thảo bàn giải pháp cho ngành du lịch được tổ chức tại Hà Nội, một loạt kiến nghị đã được đưa ra như miễn visa cho khách nước ngoài, đơn giản thủ tục quá cảnh, miễn thuế VAT cho doanh nghiệp, tổ chức các chương trình kích cầu…

Tuy nhiên, bài toán các cơ quan quản lý phải giải chắc chắn còn khó hơn, khi mà nền tảng, sự hấp dẫn của du lịch đang thủng lỗ chỗ, đòi hỏi cần phải có sự am hiểu, sự lưu tâm trước hết từ địa phương, sau đó là cơ quan quản lý các cấp.

Các tin khác