VNM và tương quan giá

(ĐTTCO) - Giá đấu khởi điểm cho 9% cổ phần của Vinamilk (VNM) do Tổng CTCP Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang sở hữu là 144.000 đồng/CP. Trong khi giá của VNM trên sàn những ngày qua lại thấp hơn hẳn mức giá này. Từ đây đã xuất hiện những quan điểm khác nhau liên quan đến biến động của VNM.

(ĐTTCO) - Giá đấu khởi điểm cho 9% cổ phần của Vinamilk (VNM) do Tổng CTCP Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang sở hữu là 144.000 đồng/CP. Trong khi giá của VNM trên sàn những ngày qua lại thấp hơn hẳn mức giá này. Từ đây đã xuất hiện những quan điểm khác nhau liên quan đến biến động của VNM.

Theo lộ trình, SCIC dự kiến sẽ chào bán cạnh tranh 130.6 triệu CP Vinamilk vào ngày mai (2-12) tại HOSE. Ngày giao dịch và chuyển nhượng từ 5-12 đến 8-12 và ngày hoàn tất giao dịch là 12-12. Từ mức giá 14.0, VNM đã có những phiên giảm xuống dưới ngưỡng 13.0 trước khi có một số phiên phục hồi những ngày qua. Thông tin giá đấu 14.4 được cho là đã cứu giá VNM sau thời gian ngắn bị đè. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng giá trên sàn còn thấp hơn giá đấu khởi điểm sẽ đẩy VNM vào thế khó do mua trên sàn sẽ rẻ hơn, dễ bán ngay lập tức. Những quan điểm này dù khác nhau nhưng đều có điểm chung, đó là nhấn mạnh đến mối tương quan giá CP trên sàn và đấu giá. Điều này hoàn toàn hợp lý vì dù giao dịch bằng phương thức nào, bên mua và bên bán cũng đều hướng đến một mức giá hợp lý.

Nhưng đó là câu chuyện trong dài hạn, còn tại một số thời điểm, mục đích, khối lượng, người mua khác nhau có thể dẫn đến những mức giá chào mua khác nhau. Dễ thấy nhất là việc thỏa thuận lô lớn CP trên sàn. Có khi CP đang giao dịch ở giá tham chiếu nhưng lại có thỏa thuận giá trần. Bởi đơn giản, bên mua hiểu rằng nếu mua ngay trên sàn với lượng lớn có thể tăng cung đột ngột và giá cũng sẽ tăng trần, thậm chí kéo dài một số phiên. Tương tự như vậy là những đợt phát hành riêng lẻ của một số doanh nghiệp cho cổ đông chiến lược cũng có giá cao hơn bình thường.

Trong đợt đấu giá VNM lần này, dễ thấy đối tượng tham gia sẽ chủ yếu là các tổ chức đầu tư. Đại diện SCIC cho biết trong đợt đấu giá này SCIC không tìm NĐT chiến lược cho VNM mà tạo cơ hội cho tất cả NĐT trong và ngoài nước quan tâm. Hơn nữa, SCIC sẽ thực hiện công bố thông tin công khai minh bạch, thực hiện đúng quy chế, đúng quy định pháp luật và theo chuẩn mực quốc tế. Trong quá trình thực hiện, SCIC nhận được rất nhiều NĐT trong và ngoài nước quan tâm và trở lại để đầu tư VNM.

9% cổ phần là một khối lượng lớn, nên sẽ cần dòng tiền lớn. Khối lượng đặt mua tối thiểu là 20.000 CP cho đợt đấu giá này, vậy nên một NĐT muốn tham gia sẽ phải chuẩn bị gần 3 tỷ đồng. Tất nhiên vẫn sẽ có những NĐT cá nhân có vốn vượt con số này, nhưng bỏ ngần đó tiền ra đấu giá lại là chuyện khác. Vậy nên, nếu cuộc đấu giá VNM có nhiều NĐT tổ chức tham gia, vấn đề trả giá ở mức nào sẽ có những điểm khác nhau. Phiên 30-11, VNM đóng cửa tại mức giá 13.8 và khoảng chênh lệch với mức giá 14.4 là không quá lớn. Nói đến đây để thấy rằng mức giá hiện tại trên sàn khó có thể gây ảnh hưởng đến việc đấu giá của VNM.

Về nguồn tiền tham gia đợt đấu giá này, hiện cũng có những quan điểm trái chiều. Một bên cho rằng thời điểm đấu giá VNM trùng với lúc một loạt tên tuổi lớn khác lên sàn như Habeco, Sabeco, Vietnam Airlines. Nghĩa là dòng tiền thay vì dồn cho một món hàng chất lượng, lại có thể bị phân tán cho nhiều CP khác nhau. Hệ quả là đợt đấu giá của VNM có thể giảm đi độ “hot” vốn có. Nhưng nên nhớ rằng việc đấu giá của VNM có đến 3 đơn vị liên danh với nhau để tư vấn, gồm Morgan Stanley, VinaCapit và SSI. Liệu nếu một thương vụ không đủ sức hấp dẫn và quy mô, các tên tuổi này có tốn công để liên danh với nhau? Và thực tế, cứ nhìn các đợt IPO lớn diễn ra, thường người ta có thể dự báo khá chính xác lượng hàng hóa tiêu thụ và cả giá trúng thầu. Nghĩa là khi SCIC đấu giá với các đơn vị tư vấn lớn, khả năng thành công sẽ là rất cao.

Còn về nguồn tiền, cần biết rằng đối với các tổ chức có ý định mua VNM, sự chuẩn bị sẽ có từ rất lâu. Trong thực tế, con số các tổ chức có ý định mua VNM khá nhiều. Đương nhiên khi kế hoạch đã được lên, nguồn tiền sẽ chuẩn bị để thực hiện và khó lòng rơi vào thế bị động. Sự cạnh tranh của VNM với các mặt hàng khác (nếu có) sẽ nằm ở việc dòng tiền sẽ không đổ dồn và có những thời điểm gây sốt, mà sẽ cân bằng giữa các CP hơn. Nhiều hàng hóa tốt sẽ làm cho dòng tiền tham gia nhiều hơn, thay vì lo ngại dòng tiền rút từ CP này để chuyển sang mã khác.

Đấu giá một CP được xếp vào loại tốt nhất thị trường, một DN hàng đầu trong một ngành hot, là tín hiệu tích cực về hàng hóa cho thị trường.

Các tin khác