Vực dậy niềm tin

Một câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam hiện nay: Họ đang gặp khó khăn gì nhất và cần điều gì nhất? Câu trả lời hầu hết là cần lấy lại niềm tin.

Đó là các chính sách dài hạn, minh bạch, rõ ràng để lấy lại niềm tin đang bị đang giảm sút nghiêm trọng, tiếp tục sản xuất. Thí dụ, tồn kho chưa phải là khó khăn nhất hiện nay với DNNVV, mà tồn kho công nợ mới là khó nhất.

Bởi nhiều doanh nghiệp đang bị các nhà thầu lớn nợ và các nhà thầu này lại bị các chủ đầu tư nợ, địa phương nợ… Nếu giải quyết được những khoản nợ này sẽ tạo được bệ đỡ giúp các doanh nghiệp cầm cự để sống sót.

Trước những khó khăn đang bao trùm cộng đồng doanh nghiệp, cần giải pháp mang tính cấp bách trong thực thi các chính sách nhằm khôi phục niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân.

Trong báo cáo đầu tiên về môi trường kinh doanh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF 2012), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tư cách thành viên đang nắm giữ vai trò đồng chủ tịch, đã báo động mức độ lạc quan của các doanh nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua khi VCCI thực hiện khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Có nghĩa, kế hoạch mở rộng kinh doanh của đa phần trong số 8.177 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.540 doanh nghiệp nước ngoài tham gia khảo sát đã cảm nhận nhiều rủi ro ngáng trở trong việc ổn định hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thực trạng trên hoàn toàn khớp với độ dốc không đổi của toàn cảnh Chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam trong cả năm do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam vừa đưa ra trong Sách trắng công bố ngày 29-11. Theo đó, niềm tin và triển vọng kinh doanh của 800 doanh nghiệp hội viên EuroCham đang ở mức thấp nhất kể từ lần thực hiện đầu tiên vào quý IV-2010 (45 điểm so với 75 điểm).

Thực tế này càng đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có các hành động mang tính quyết định để tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, đặc biệt là phải xử lý nhanh chóng nợ xấu, bởi vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, mà còn ảnh hưởng đến tất cả doanh nghiệp.

Chính phủ đang phải đối mặt với nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô, cũng chính là vực dậy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Những bước tiến chậm chạp trong thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, đã khiến những khó khăn trong cộng đồng doanh nghiệp phải gánh chịu bị kéo dài hơn, nặng nề hơn.

Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã đạt được những kết quả nhất định trong ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên điều này chỉ mang tính dối phó tình thế ngắn hạn. Nếu tiếp tục kéo dài chính sách ngắn hạn, hệ quả cả doanh nghiệp tốt cũng có thể biến mất. Do đó, lúc này doanh nghiệp cần thấy rõ thông điệp về cải cách cơ cấu kinh tế một cách sâu sắc hơn. Đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước có vai trò trung tâm trong việc tạo niềm tin và định hướng cho các doanh nghiệp khác.

Theo đó, cần thiết phải đẩy mạnh cổ phần hóa và đặt doanh nghiệp nhà nước vào kỷ luật thị trường, đồng thời không tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong vấn đề gánh nặng thuế, phí…

Hiện nay, nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV đã được đặt ra, như giúp doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho; tiếp tục ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư mở rộng, đầu tư mới; lộ trình tăng lương hàng năm, bắt đầu từ 2013 chỉ khoảng 15%; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh về quản trị để có thể định vị lại mình, chuẩn bị cho chu kỳ phát triển tiếp theo; giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn; tiếp tục giảm lãi suất cho vay...

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều thách thức lớn như sản xuất còn nhiều khó khăn; lạm phát cao có nguy cơ trở lại; quản lý thị trường, giá cả chưa tốt; tồn kho giảm nhưng một số ngành vẫn còn cao; việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó; thị trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng… cộng với suy giảm kinh tế thế giới, đang đòi hỏi Chính phủ phải điều hành quyết liệt hơn nữa.

Bên cạnh niềm tin, đây còn là thời điểm khắc nghiệt đòi hỏi doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu, phải năng động, biết nắm cơ hội, vượt qua thách thức. Vì thực tế doanh nghiệp muốn tồn tại thì không ai có thể làm thay chính mình.

Các tin khác