Tổng thống Donald Trump: Tiêu điểm “nước Mỹ trên hết”

(ĐTTCO) - LTS: Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng đã khép lại nhưng truyền thông quốc tế vẫn khai thác sâu đậm chung quanh sự kiện này; trong đó nổi bật là Tổng thống Donald Trump - người đứng đầu nền kinh tế số 1 thế giới trong chuyến công du đầu tiên đến 5 nước châu Á.

 Ông Trump xuất hiện trước lãnh đạo các nền kinh tế lớn chững chạc, thoải mái, hình như bỏ lại phía sau những rắc rối nội tại ở quê nhà: Tỷ lệ người dân ủng hộ thấp, các cuộc điều tra liên quan đến cuộc bầu cử, các chính sách mới đưa ra không thuận ngay tại lưỡng viện và thực thi ở các bang… Dư luận quốc tế cho rằng chuyến công du châu Á của D. Trump thành công lớn, tỏ rõ cho thế giới biết tường tận về việc “từ nay, chúng tôi sẽ cạnh tranh trên một nền tảng công bằng, phải đặt nước Mỹ trên hết”.

Để lại nhiều ấn tượng
Hãng Reuters đưa tin, trên đường về sau chuyến công du 12 ngày, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đây là một chuyến thăm thành công và ông đã đạt được bước tiến gần hơn đến mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Trong chuyến đi này, ông Trump đã dừng chân ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines; gặp gỡ và hội đàm với hàng chục nhà lãnh đạo, trong đó có 5 nền kinh tế lớn và Tổng thống Nga V. Putin.
Trong các lần gặp gỡ, thương thảo, ông Trump đã dành thời gian nêu bật về việc cần thiết phải giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ; diễn giải về chủ trương “nước Mỹ trên hết” và cảnh báo các đối tác thương mại rằng ông sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp bảo hộ nhằm bảo vệ các công ty và người lao động nước Mỹ.
Chuyến công du châu Á của ông Trump là chuyến công du nước ngoài dài nhất của một tổng thống Hoa Kỳ trong vòng 25 năm qua. Sau khi về Mỹ, ông Trump đăng video lên Twitter cá nhân kèm lời nhắn “Một lần nữa cảm ơn châu Á” và khen ngợi hết lời cách thức tiếp đón của các nước dành cho ông, kèm hình ảnh người dân và lãnh đạo các nước tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ được lồng xen vào video.
Báo chí quốc tế bình luận sự đón tiếp trang trọng mà các nước châu Á dành cho Tổng thống Hoa Kỳ là một chiến thắng lớn mang tầm vóc đối ngoại; sẽ mang lại cho nước Mỹ nhiều lợi ích về thương mại, quân sự và ngoại giao. Tờ Politico đăng tải ý kiến của D. Trump sau khi kết thúc chuyến công du châu Á: “Chúng ta đã giải quyết một khối lượng lớn công việc liên quan đến thương mại, không chỉ là những bản hợp đồng đem về ít nhất 300 tỷ USD, mà theo tôi đó còn là cách để nhân lên gấp 3 con số này trong thời gian ngắn”.
Điểm mới, quan trọng hơn số tiền nói trên, là thông điệp mà ông Trump gửi đến các đối tác xuyên suốt chuyến công tác: Hoa Kỳ luôn mở cửa giao thương nhưng muốn thương mại hai chiều tương xứng. Ông Trump đã chỉ trích các chính quyền tiền nhiệm đã để các quốc gia khác lợi dụng Hoa Kỳ về phương diện kinh tế, “cho đi mà không nhận lại”; và hy vọng rằng chuyến công du sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận của các nước về Hoa Kỳ trong tương lai.
Một điều rất quan trọng, gây ấn tượng đối với lãnh đạo một số nước châu Á là chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống D. Trump. Theo Forbes, Tổng thống Hoa Kỳ đã khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm đến vấn đề biển Đông; đã cho một số tàu hải quân Hoa Kỳ đi qua vùng biển này để minh chứng rằng Hoa Kỳ luôn thống nhất về quan điểm duy trì tự do hàng hải trên vùng biển này, bất chấp những lý lẽ và hành động muốn chiếm riêng biển Đông của Trung Quốc, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế.
Tổng thống Donald Trump: Tiêu điểm “nước Mỹ trên hết” ảnh 1 Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump chào người dân Hà Nội trên đường ra sân bay rời Việt Nam, ngày 12-11. 
Không ngại va chạm
Tờ SCMP phân tích: Trong chuyến công du đầu tiên tới 5 quốc gia châu Á, Tổng thống D. Trump đã bất ngờ đưa khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” thay thế cụm từ đã phổ biến “Châu Á - Thái Bình Dương”. Trong bài phát biểu tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng, ông Trump đã nhiều lần đề cập đến cụm từ mới này và khẳng định “mọi quốc gia phải chơi theo luật”. Vậy ý tưởng mới của Trump là gì? Các chuyên gia phân tích việc sử dụng ngôn từ này phản ánh sự thay đổi của Hoa Kỳ trong cách nhìn nhận về khu vực, “chuyển trọng tâm từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Ấn Độ Dương, mở ra xây dựng khối liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ”.
Điều này cũng thể hiện mong muốn của Hoa Kỳ về Ấn Độ cần đóng vai trò to lớn hơn trong an ninh khu vực, đối trọng với viễn cảnh Trung Quốc không ngừng phát triển cả kinh tế lẫn quân sự, cân bằng hệ thống quyền lực các nước châu Á. Ông Rony Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia, Đại học quốc gia Australia, cho rằng “Hoa Kỳ cần đưa ra khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm đối phó với chiến lược “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc, chạy dài xuyên suốt từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương - nơi mà mọi cường quốc đều có lợi ích. Vì vậy, việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ có thể thực hiện trong khu vực rộng lớn hơn chứ không chỉ đơn thuần ở Đông Á”.
Ông Takashi Terada, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Doshisha, Nhật Bản thì cho rằng chính ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc với ý đồ viết lại các quy tắc, thông lệ quốc tế hiện hành là động lực chính kéo 4 quốc gia Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia xích lại gần nhau. Nhiều khả năng mối liên kết này sẽ nhanh chóng phát triển với những chính sách mang tính chiến lược!
Trung Quốc không mấy “thoải mái” với thuật ngữ mới Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Tổng thống D. Trump đưa ra. Sau tuyên bố của ông Trump tại APEC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho rằng khu vực này vẫn có tầm quan trọng và tiềm năng lớn, “bất chấp khái niệm mới hoặc thuật ngữ nào được áp dụng”.
Chưa dừng lại ở đó, tại Hội nghị ASEAN ở Philippines diễn ra mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã có cuộc hội đàm riêng bên lề hội nghị, nhằm hồi sinh một ý tưởng trước đây có tên là “Tứ giác kim cương” – mà các nhà phân tích cho rằng là một nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết cuộc họp tập trung thảo luận với tầm nhìn thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, và “Bốn nhà lãnh đạo đã đồng ý xây dựng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở rộng, thịnh vượng và bao trùm”. Cuộc họp hôm 12-11 kết thúc mà không có tuyên bố chung nào được đưa ra, cũng phủ nhận là động thái nhằm kiềm chế Trung Quốc nhưng Bắc Kinh ngay lập tức phản ứng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, hợp tác khu vực không nên bị chính trị hóa hay loại trừ một bên nào đó!
Trong chuyến công du vừa qua, với tiêu điểm thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết”, ông D. Trump không ngại va chạm. Ngay tại diễn đàn APEC Summit Việt Nam 2017 cùng sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống D. Trump không né tránh, đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn: “Cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc hiện nay là không thể chấp nhận được. Tôi không chỉ trích Bắc Kinh hay bất cứ nước nào khác, nhất là những nước từng lợi dụng Hoa Kỳ về vấn đề thương mại. Từ ngày hôm nay trở đi, chúng tôi sẽ cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng và công bằng. Chúng tôi sẽ không để Hoa Kỳ bị lợi dụng thêm một ngày nào nữa. Tôi sẽ luôn luôn thực hiện phương châm “Nước Mỹ trên hết”, tương tự như cách mà tôi hy vọng tất cả các bạn ở đây cũng đặt nước mình lên trên hết. Đó là thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn”.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng ông không “chỉ trích” ai nhưng trong phát biểu của mình tại Diễn đàn APEC 2017 đã nói rõ điều ai cũng biết đã diễn ra ở nước nào: “Chúng tôi sẽ không dung thứ hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ. Chúng tôi sẽ đối đầu với hành vi ép doanh nghiệp tư nhân phải trao công nghệ của mình cho nhà nước, hay ép buộc họ tham gia vào các hình thức liên doanh để đổi lại cơ hội được tiếp cận thị trường. Chúng tôi sẽ xử lý hoạt động trợ cấp công nghiệp quy mô lớn thông qua các doanh nghiệp nhà nước - vốn lúc nào cũng muốn đẩy các doanh nghiệp tư nhân ra khỏi hoạt động kinh doanh”.

Một góc nhìn khác
Đúng lúc Tổng thống D. Trump kinh lý hải ngoại, đưa ra những thông điệp mạnh mẽ, tại Hoa Kỳ đã xuất bản cuốn sách “The making of the President 2016 - How D. Trump orchestrated a Revolution” (tạm dịch: Đường đến ngôi vị Tổng thống 2016 - cuộc cách mạng của Trump) của Roger Stone, tác giả cuốn sách bán chạy nhất của New York Time - là cố vấn chính trị lâu năm của ông Trump, đồng thời là chiến lược gia của đảng Cộng Hòa.
Roger Stone viết: “D. Trump có cơ hội là một tổng thống thật sự vĩ đại. Ông trở thành tổng thống không chịu ơn ai, ngoài nhân dân Hoa Kỳ. Các chiến dịch của ông bị giới tinh hoa tài chính và chính trị ngoảnh mặt nhưng ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử, cho ông rộng quyền tiến hành những cải cách. Điều cần nhớ về Donald Trump là ông rất cứng rắn, một người cạnh tranh dữ dằn, ít khi để sót cơ hội. Ông thật sự là một nhà dân túy với bản năng bảo thủ. Do vậy, Trump cho rằng phải làm sống lại nền kinh tế, bảo đảm an ninh biên giới, siết chặt luật nhập cư, thương lượng lại các hiệp định thương mại…
Donald Trump là một thương gia, không phải là một chính khách, nhà kỹ trị nên có cách hành xử vấn đề rất khác biệt, ngay cả trên cương vị tổng thống. Tác giả cuốn sách đánh giá: “Cuộc bầu cử này đánh dấu một bước ngoặt cái gọi là truyền thông chính thống mất độc quyền về truyền phát thông tin, bởi ngày càng nhiều cử tri bắt đầu nhận được tin tức chính trị trên các thiết bị cầm tay đa dạng hơn, trong nhiều trường hợp cũng chính xác hơn. Chiến thắng của ông Trump vừa như câu chuyện không có thật, lại vừa ngoạn mục. Chính ông như nói với các bạn rằng, với tất cả kỹ năng và tầm nhìn của ông, may mắn luôn mỉm cười, vì thế ông là người thắng cuộc”.

Bùng cháy niềm tự hào dân tộc

Đối với Hoa Kỳ, cũng như các quốc gia đã chiến thắng và bảo vệ được chủ quyền của mình, Hoa Kỳ hiểu rằng không có gì quý hơn độc lập, tự do. Tư tưởng này đã soi đường chỉ lối chúng tôi xuyên suốt các thời kỳ lịch sử. Nó đã khuyến khích chúng tôi hy sinh và sáng tạo không ngừng. Và đó là lý do vì sao hôm nay, hàng trăm năm sau chiến thắng cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn ghi nhớ những lời căn dặn của một người sáng lập và vị tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ: John Adams. Trước khi qua đời, con người yêu nước này được yêu cầu nói ra những suy nghĩ của mình nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hoa Kỳ giành độc lập. Ông đáp lại: Độc lập mãi mãi.
Có một thứ tình cảm cháy trong tâm trí của tất cả những người yêu nước và mọi quốc gia. Nước chủ nhà Việt Nam biết đến thứ tình cảm này không chỉ trong vòng 200 năm, mà gần 2.000 năm. Đó là vào khoảng năm 40 sau Công nguyên, hai chị em Bà Trưng là những vị anh hùng đầu tiên đánh thức tinh thần yêu nước trong lòng dân Việt, đứng lên giành lại độc lập của mình với niềm tự hào dân tộc mãnh liệt.
Họ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là ai và chúng ta được đất nước hiệu triệu để làm gì. Vì gia đình, vì đất nước, vì tự do và lịch sử, hãy bảo vệ mái nhà bạn, và yêu quý mái nhà của mình ngày hôm nay và mãi mãi...
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
(Trích bài phát biểu tại APEC Summit VietNam 2017)

Các tin khác