Tổng giám đốc IMF kêu gọi hàn gắn hệ thống thương mại toàn cầu

(ĐTTCO) - Trước xung đột thương mại thời gian qua, Tổng giám đốc IMF kêu gọi lãnh đạo các nước cần hàn gắn hệ thống thương mại toàn cầu, thay vì phá vỡ nó.
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF (Ảnh: AFP)
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF (Ảnh: AFP)

Kiến nghị này được bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ và Trung Quốc đang đe dọa tới tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu và nhiều chuyên gia IMF cảnh báo những tổn thương và rủi ro mới đối với hệ thống thương mại toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị mới đây giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), bà Lagarde nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác để hạn chế và giải quyết các xung đột thương mại.

Tuy nhiên, thảo luận tại hội nghị trở nên u ám sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết”.

Thực tế cho thấy, Tổng thống Donald Trump đã áp thuế và đe dọa áp thuế lên hàng hóa của nhiều nền kinh tế, điển hình là Trung Quốc hay thậm chí là các “bạn hàng truyền thống” như Liên minh châu Âu.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, ngoài chính sách thuế quan thì động thái tăng lãi suất đồng USD của Mỹ thời gian qua cũng khiến cho đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi mất giá nhanh chóng, bởi các nền kinh tế này chủ yếu vay nợ bằng USD và phải gồng mình trả nợ.

Nhiều rủi ro mới xuất hiện

Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu mới đây của IMF (Báo cáo thứ 2 công bố trong năm nay) chỉ ra rằng, tăng trưởng toàn cầu sẽ đối mặt với rủi ro và hệ lụy nếu tình hình của các nền kinh tế mới nổi xấu đi hoặc căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.

Nhiều rủi ro mới đã xuất hiện trong khi sức chịu đựng của hệ thống tài chính toàn cầu vẫn chưa được kiểm chứng, báo cáo nêu.

Trong báo cáo này, IMF cảnh báo, việc gia tăng biện pháp thuế quan và các đòn trả đũa có thể khiến các điều kiện tài chính bị siết chặt và tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và sự ổn định tài chính.

IMF cho rằng, việc các nền kinh tế phát triển tăng lãi suất sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư đạt được mức lợi nhuận cao hơn. Do vậy, các nền kinh tế mới nổi nên chuẩn bị các biện pháp tự vệ trước sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư.

Các biện pháp phòng vệ và đối phó với khủng hoảng có thể vận dụng như tăng dự trữ ngoại hối, tăng cường kết nối hợp tác với các nhà đầu tư trong nước thay vì phụ thuộc vào nguồn tài chính từ nước ngoài, IMF khuyến cáo.

Theo IMF, các rủi ro xuất hiện khi nợ doanh nghiệp và nợ công của các quốc gia tăng cao, hay thậm chí là những tàn tích còn sót lại của các biện pháp kích thích tài chính và giải cứu kinh tế được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Kể từ tháng 4/2018 – thời điểm IMF công bố Báo cáo Ổn định Tài chính (Báo cáo thứ nhất trong năm), các điều kiện kinh tế toàn cầu đã trở nên thiếu cân bằng khi xuất hiện ngày càng nhiều bất đồng giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi.

Theo IMF, dù Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất, nhưng điều kiện tài chính tại Mỹ vẫn được nới lỏng và bằng chứng là giá trị vốn chủ sở hữu vẫn rất cao.

Tại Trung Quốc, tình hình tài chính vẫn "ổn định trên diện rộng" dù nợ doanh nghiệp tăng cao kỷ lục và tín dụng hộ gia đình đang ở mức cao so với các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, theo ông Vitor Gaspar, giám đốc phụ trách tài chính của IMF, Trung Quốc nhận thức rõ được tình hình và đang từng bước thực hiện xử lý nợ tăng.

Các tin khác