Tổng giám đốc IMF: Bình mới rượu có mới?

Ngày 28-6, Bộ trưởng kinh tế Pháp Christine Lagarde đã được bầu làm Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ ngôi vị đầy quyền lực này.

Ngày 28-6, Bộ trưởng kinh tế Pháp Christine Lagarde đã được bầu làm Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ ngôi vị đầy quyền lực này.

Mặc dù không xuất thân từ trường lớp kinh tế, bị cho là người thừa hành các chính sách của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, hoặc bị cáo buộc lạm dụng chức quyền thiên vị bạn của Tổng thống, nhưng nhìn chung nữ Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Christine Lagarde vẫn được kính nể trong vai trò đại diện Pháp tại G20 và tại các cuộc thương thuyết nợ công châu Âu.

Khi người đồng hương Dominique Strauss-Kahn từ chức Tổng giám đốc IMF hôm 18-5 vì sa chân vào vụ bê bối tấn công tình dục một nữ hầu phòng khách sạn ở New York, bà Lagarde đã đi lại như con thoi giữa các nước để vận động tranh cử chiếc ghế “nóng” của IMF. Bà Lagarde đã nhận được sự ủng hộ của châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Brazil... và dường như cả thế giới đều ngầm hiểu bà Lagarde cầm chắc thắng lợi trước đối thủ duy nhất Agustin Carstens (Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico) trong cuộc chạy đua giành ghế Tổng giám đốc IMF.

Bà Christine Lagarde

Bà Christine Lagarde

Đúng như vậy. Ngày 28-6, ban giám đốc IMF đưa ra quyết định đặt bà Lagarde lên “ngai vàng” của thể chế cho vay toàn cầu đầy quyền lực. Chỉ vài phút sau khi được bầu chọn, bà Lagarde bày tỏ trên Twitter: “Tôi rất vinh dự và vui mừng được ban giám đốc tin tưởng trao quyền Tổng giám đốc IMF”.

Bà Christine Lagarde (55 tuổi) sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm từ ngày 5-7. Bà Lagarde cam kết trước ban giám đốc IMF rằng: “Tôi ở đây không đại diện cho lợi ích của một khu vực nào đó trên thế giới, mà tôi phục vụ tất cả các thành viên IMF”.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu leo thang và Hy Lạp sôi sục bên bờ vực vỡ nợ, sự lựa chọn bà Lagarde được kỳ vọng sẽ làm dịu các mối lo của châu Âu rằng liệu “chủ nợ” IMF có hậu thuẫn cho chiến dịch giải cứu Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland hay không sau khi Strauss-Kahn sụp đổ.

Trong suốt lịch sử 66 năm IMF, đây là lần đầu tiên tổ chức cho vay toàn cầu đầy quyền lực này đưa một phụ nữ lên nắm quyền tối cao. Nếu xét về mặt giới tính, có thể nói đây là cuộc cách mạng trong tư duy của ban giám đốc IMF.

Nhưng nếu xét về mặt quốc tịch chẳng có gì mới mẻ vì IMF tiếp tục duy trì luật bất thành văn: các đời tổng giám đốc đều là người châu Âu. Camille Gutt (Bỉ) giữ chức Tổng giám đốc IMF đầu tiên (1946-51). Tiếp đó là các vị: Ivar Rooth, Per Jacobsson (Thụy Điển, 1951-1956 và 1956-1963); Pierre-Paul Schweitzer (Pháp, 1963-1973); Johannes Witteveen (Hà Lan, 1973-1978); Jaques de Larosière, Michel Camdessus (Pháp, 1978-1987 và 1987-2000); Horst Kohler (Đức, 2000-2004); Rodrigo Rato (Tây Ban Nha, 2004-2007); Dominique Strauss-Kahn (Pháp, 2007-2011) và Christine Lagarde (từ 2011).

Cho đến nay, Pháp là quốc gia “có duyên” nhất với ghế Tổng giám đốc IMF, lập kỷ lục về số lần giữ ghế (5/11), kỷ lục nhiệm kỳ dài nhất (13 năm). Dominique Strauss-Kahn, sếp IMF có công thực hiện cuộc cải tổ, biến IMF trở thành “chủ nợ” toàn cầu, cũng là người Pháp. Hãy đón xem bà Christine Lagarde sẽ kế vị IMF như thế nào.

Các tin khác