Tom Watson đi đầu chỉ trích báo lá cải

6 năm trước, tờ báo lá cải The Sun thuộc đế chế  ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã miêu tả chính trị gia 39 tuổi Tom Watson (ảnh) là một phần trong “băng đảng mưu mô lang sói” chơi trò “chính trị bẩn thỉu giữa lúc lính tráng đang chết dần chết mòn ở Afghanistan”. Gần đây, ông Watson đã có những sự phản công ngoạn mục đánh vào các tờ báo lá cải.

6 năm trước, tờ báo lá cải The Sun thuộc đế chế  ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã miêu tả chính trị gia 39 tuổi Tom Watson (ảnh) là một phần trong “băng đảng mưu mô lang sói” chơi trò “chính trị bẩn thỉu giữa lúc lính tráng đang chết dần chết mòn ở Afghanistan”. Gần đây, ông Watson đã có những sự phản công ngoạn mục đánh vào các tờ báo lá cải.

Năm 2001, Tom Watson được bầu vào Quốc hội. Năm 2006, Watson ký vào thư kêu gọi Thủ tướng Tony Blair từ chức. Watson kể lại rằng động thái này đã biến ông thành cái gai trong mắt biên tập của The Sun và News of the World vốn có khuynh hướng ủng hộ Thủ tướng Blair.

Năm 2009, tờ Guardian đăng bài tố cáo các phóng viên News of the World thường xuyên chặn tin nhắn thư thoại. Biên tập viên Colin Myler ra điều trần, trả lời chất vấn các nhà làm luật về những cáo buộc của tờ Guardian.

Theo dõi phiên điều trần, Watson nhận ra có điều gì đó bị che giấu và ông bắt đầu đào sâu vào vụ nghi án. Trong nhiều năm, Watson dẫn đầu các cuộc điều tra những tờ báo lá cải mà nổi trội là những tờ dưới trướng ông trùm Rupert Murdoch đã phát giác vụ bê bối nghe trộm điện thoại.

Ông có mặt trong Ủy ban Quốc hội về đạo đức truyền thông, nhiều lần thẩm vấn Murdoch và con trai James; đi tới Los Angeles tham dự đại hội cổ đông của News Corp và nêu ra những lời buộc tội. Thậm chí Watson còn xuất bản 1 cuốn sách phân tích vụ bê bối nghe trộm điện thoại với nhan đề “Dial M for Murdoch” (Tạm dịch: Bấm phím M gặp Murdoch).

Là một người ăn nói bạo mồm bạo miệng với những phát ngôn gây sốc, Watson từng mỉa mai James Murdoch (người điều hành hoạt động tại Anh của News Corp) ngay tại phiên điều trần rằng “ông là trùm mafia đầu tiên trong lịch sử chẳng biết mình đang vận hành một bộ máy tội phạm”.

Watson bị chỉ trích vì sục sạo làng báo Anh và phát ngôn gây sốc, nhưng những sự chỉ trích đó dường như chẳng hề hấn gì đối với ông. Cá tính kỳ quặc của Watson cũng thể hiện trong cách ông trang trí văn phòng làm việc của mình tại Quốc hội.

Trên tường văn phòng, đập vào mắt là bức hình minh họa ông ăn mặc như anh chàng Super Mario trong trò chơi điện tử được yêu thích, một khung bản sao số báo cuối cùng của tờ báo lá cải 168 năm tuổi News of the World với tiêu đề nổi bật “Thank you & Goodbye” (Cảm ơn & Tạm biệt) khi tờ báo phải đóng cửa vào tháng 11-2011 vì vụ bê bối nghe trộm điện thoại.

 Khi nghiên cứu vụ bê bối báo lá cải, Watson dự đoán rằng nghe trộm điện thoại chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Hồi tháng 5, Watson khẳng định: “Tôi chắc chắn chúng ta sẽ phát hiện thêm những bằng chứng về việc đột nhập máy tính”.

Đến tháng 7-2012, cuộc điều tra của Scotland Yard đã tiết lộ sự thật việc làm sai trái ở các tờ báo Anh do Murdoch sở hữu đã nâng tầm lên ăn cắp dữ liệu máy tính và lót tay cho các công chức. Các công tố viên đã cáo buộc hình sự chống lại 8 phóng viên và biên tập viên cấp cao của News International - chi nhánh xuất bản tại Anh thuộc Tập đoàn News Corporation của Murdoch.

Từ một chính trị gia ít tên tuổi, Tom Watson đã nổi lên nhanh chóng. Năm ngoái, ông đã trở thành Phó Chủ tịch Đảng Lao động.

Tháng 11-2011, James Murdoch đã phải xin lỗi Watson vì việc News of the World do thám ông. Tháng 5-2012, Watson tuyên bố “cụ ông Rupert Murdoch không còn là người thích hợp nắm quyền hành một tập đoàn quốc tế lớn” và “vụ bê bối đã phơi bày một bức tranh văn hóa doanh nghiệp bị tan tành từng mảnh”.

Watson dự kiến cuộc điều tra News Corp sẽ kéo dài ít nhất 2 năm nữa. Ông cũng bác bỏ những chỉ trích rằng ông lợi dụng vụ bê bối này để đánh bóng tên tuổi và thăng tiến trên chính trường.

Các tin khác