Tiền tệ đa cực: Đợi đến bao giờ?

Khi nhận chức Chủ tịch luân phiên G20 từ tay Tổng thống Hàn Quốc cách nay 1 năm, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng để “chấn chỉnh” các hoạt động tài chính và kinh tế thế giới. Trong đó, mục tiêu tham vọng nhất của ông là đạt được thỏa thuận về một hệ thống tiền tệ đa cực, giúp thế giới giảm sự phụ thuộc vào USD.

Khi nhận chức Chủ tịch luân phiên G20 từ tay Tổng thống Hàn Quốc cách nay 1 năm, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng để “chấn chỉnh” các hoạt động tài chính và kinh tế thế giới. Trong đó, mục tiêu tham vọng nhất của ông là đạt được thỏa thuận về một hệ thống tiền tệ đa cực, giúp thế giới giảm sự phụ thuộc vào USD.

Bước đi tất yếu

“Thế giới nay đã đa cực. Một nền kinh tế thế giới đa cực đòi hỏi phải có một thế giới tiền tệ đa cực” - ông Sarkozy phát biểu hùng hồn hồi tháng 3 tại hội nghị ở Nam Kinh, Trung Quốc.

Hầu hết nhà chuyên môn cũng tán thành ý tưởng này, cho rằng phát triển một hệ thống tiền tệ đa cực là bước đi tất yếu của hệ thống tài chính toàn cầu, đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Năm 2010, thượng đỉnh G20 ở Hàn Quốc cam kết tiến tới một hệ thống tiền tệ quốc tế ổn định hơn.

Quang cảnh bế mạc hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes, Pháp.

Quang cảnh bế mạc hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes, Pháp.

Năm nay, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Cannes, nhóm các giám đốc điều hành cấp cao (B20) đã nhất trí ủng hộ việc thành lập hệ thống tiền tệ toàn cầu. Qua đó, vai trò của USD và EUR sẽ giảm dần, trong khi tăng dần vai trò của NDT và các đồng tiền của khu vực mới nổi khác. B20 cho rằng hệ thống tiền tệ do USD chi phối hiện tại làm tăng rủi ro của kinh tế toàn cầu.

Một hệ thống tiền tệ đa cực sẽ giúp kinh tế toàn cầu cân bằng hơn vì giảm sự bất ổn kinh tế và chi phí giao dịch cho các công ty. Việc phát triển tiền tệ đa cực còn được tin là vũ khí chống lại làn sóng chiến tranh tiền tệ, khi các nước đua nhau hạ giá nội tệ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Trước đó, để giảm sự phụ thuộc vào USD, các nước châu Á đã đưa ra Sáng kiến Chiang Mai - một thỏa thuận trao đổi tiền tệ giữa các nước trong khu vực. Sáng kiến này được tiếp thêm sức mạnh gần đây với những thỏa thuận mới nhất đến từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) hồi tháng trước.

Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn chưa tìm được cách bù đắp những thâm hụt thanh khoản của USD vào những lúc thị trường tài chính chịu sức ép. Trong khi đó, hầu hết giới chuyên môn cho rằng khả năng dự phòng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là không cao, nếu Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) không bơm USD vào các ngân hàng trung ương nước ngoài, như đang chứng kiến trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Một nỗ lực lớn hơn xuất phát từ Trung Quốc, Nga và được nhiều nước ủng hộ, là đưa các đồng tiền mới nổi vào rổ ngoại tệ cấu thành Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF.

Cho đến nay, SDR vẫn chỉ được cấu thành từ 4 đồng tiền của các nước phát triển, là USD, bảng Anh, yen Nhật Bản và EUR. Người ta hy vọng rằng cuộc họp thượng đỉnh ở Cannes sẽ đưa ra được những điều kiện và thời gian biểu cụ thể cho lộ trình đưa các đồng tiền mới nổi vào SDR.

Sức ép khủng hoảng nợ

Tuy nhiên, vấn đề cải cách tiền tệ quốc tế đã lu mờ trong thượng đỉnh ngày 3 và 4-11, do giới lãnh đạo dồn sự chú ý vào tình hình cấp bách của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Bản thân nước chủ nhà và đương kim Chủ tịch G20 cũng đang điên đảo vì các vấn đề của khu vực và trong nước.

Hy Lạp đang tiến gần hơn đến việc chấp thuận gói ứng cứu của châu Âu, tức khả năng nước này rời bỏ EUR sẽ xa hơn, nhưng những thách thức không vì vậy mà giảm bớt.

Không chỉ thất bại với mục tiêu cải tổ tiền tệ, Pháp còn thất bại ở hầu hết các mục tiêu khác: các thị trường tài chính vẫn chưa được quản lý chặt chẽ để xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu ổn định hơn. Dù đã có hiệp ước Basel 3, Hoa Kỳ đến nay vẫn chưa chấp nhận thi hành luật chơi mới.

Châu Âu cũng chỉ bắt đầu hướng tới việc triển khai hiệp ước này, nhưng bị kẹt lại trong bối cảnh nhiều ngân hàng khu vực vướng vào nợ công Hy Lạp. Vì vậy, việc áp dụng hiệp ước mới về quản lý ngân hàng chưa thể nhanh chóng được thực hiện...

Mexico sẽ đảm đương chức Chủ tịch G20 vào năm tới và nhiều khả năng vấn đề cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ lại được đưa vào chương trình nghị sự, dù có thể ít tham vọng hơn Pháp. Giới phân tích tin rằng con đường này phụ thuộc nhiều vào việc liệu các nền kinh tế mới nổi lớn có đồng thuận hướng đến một trật tự tiền tệ mới hay không.

Theo dự báo của Tổng thống Sarkozy, các nền kinh tế mới nổi sẽ chiếm 50% GDP toàn cầu vào năm 2021. “Họ phải tìm được mẫu số chung” - ông Marc Uzan, CEO của Ủy ban Phục hưng Bretton Woods (IBWC) - một tổ chức nghiên cứu cải tổ tiền tệ, nói. Trong các nước BRICs (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) Nga và Trung Quốc công khai muốn rúp và NDT có thể thay thế dần vị trí “độc tôn” của USD trong hệ thống dự trữ ngoại tệ toàn cầu, nhưng Brazil và Ấn Độ cho đến nay vẫn khá kín đáo.

Tuy nhiên, B20 và hầu hết các giới chức G20 tin rằng Trung Quốc cần đẩy nhanh việc thả nổi NDT. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng họ không thể thả nổi NDT nhanh hơn, và thế giới cũng không nên ép họ trong chuyện này.

“Lý do tại sao G5 và G7 quan trọng là họ có tiếng nói đối với tỷ giá hối đoái. Điều tương tự cũng xảy ra với G20. Nếu nhóm này không có tiếng nói với hệ thống tiền tệ quốc tế và các thị trường, nó sẽ trở thành một nơi để họp mặt giao lưu” - ông Ousmene Mandeng của UBS Investment Bank nói.

Các tin khác