Tiền cứu trợ Hy Lạp vào túi ai?

Hy Lạp được giữ lại trong khu vực đồng EUR chẳng qua để cho các ngân hàng Bắc Âu có thể thu hồi lượng tiền lớn bị kẹt trong đất nước đang lâm nguy này, theo tiết lộ của các chuyên gia kinh tế.

Hy Lạp được giữ lại trong khu vực đồng EUR chẳng qua để cho các ngân hàng Bắc Âu có thể thu hồi lượng tiền lớn bị kẹt trong đất nước đang lâm nguy này, theo tiết lộ của các chuyên gia kinh tế.

Trong khi tư cách thành viên trong liên minh tiền tệ châu Âu đang như chỉ mành treo chuông, Hy Lạp vẫn tiếp tục nhận được hàng tỷ EUR cho vay cứu trợ khẩn cấp từ bộ 3 Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC).

Tuy nhiên, số tiền này hầu như không hề chảy vào túi chính phủ Hy Lạp để trang trải cho các dịch vụ công ích thiết yếu. Thay vào đó, dòng tiền chảy ngược vào túi các nhà cho vay. Trong khi nền kinh tế Hy Lạp tiếp tục vật lộn bên bờ sinh tử thì phần lớn trong 130 tỷ EUR châu Âu cứu trợ Hy Lạp đang được dùng vào mỗi việc chi trả nợ công. 

Nhận cứu trợ khẩn cấp từ bộ 3 được ví như mang “con ngựa thành Troa” vào Hy Lạp.

Nhận cứu trợ khẩn cấp từ bộ 3 được ví như mang “con ngựa thành Troa” vào Hy Lạp.

Christine Johnson, người quản lý quỹ trái phiếu doanh nghiệp Old Mutual - một trong những quỹ trái phiếu doanh nghiệp thành công nhất trong 3 năm gần đây, nói: “Hy Lạp không tiếp tục nằm trong eurozone vì lợi ích của cử tri Hy Lạp. Hy Lạp được giữ lại trong lúc các tổ chức Bắc Âu thu hồi từng đồng tiền của họ ở đây”.

Phần lớn số tiền được cho vay tính đến thời điểm này tiếng là “cứu trợ Hy Lạp” nhưng thực ra đã chảy ngược vào việc trả nợ cho các tổ chức tài chính ở nơi khác, đặc biệt ở Pháp. 3 ngân hàng lớn nhất của Pháp Credit Agricole, Societe Generale và BNP có ít nhất 42 tỷ EUR cho vay tại Hy Lạp, trong đó, riêng Credit Agricole (thông qua chi nhánh Emporiki) là chủ nợ của hơn 25 tỷ EUR.

Có một logic giải thích cho cơ chế dòng tiền chảy ngược, ít nhiều liên quan đến tính chính trị trong tài chính đồng EUR. Suy cho cùng, tiền cứu trợ được phân phối bởi bộ 3 ECB, IMF và EC đều lấy từ nguồn người dân châu Âu đóng thuế. Do cơ chế “tiền ra cửa trước lại vào cửa sau” nên các thành viên bộ 3 cũng không muốn cho những quỹ tài chính khác góp tay vào việc giữ cho chính quyền Hy Lạp tiếp tục hoạt động.

Tuần trước, văn phòng Athens phụ trách thu nhập cho biết Hy Lạp có thể cạn tiền vào tháng 7 tới. Nếu thế, Hy Lạp có thể sẽ vỡ nợ, ngoại trừ số nợ với bộ 3, như cố vấn cao cấp của ngân hàng Deutsche Bank Frankfurt Thomas Mayer nhận định: “Hy Lạp sẽ không vỡ nợ với bộ 3 vì bộ 3 đang tự trả tiền cho chính họ”.

Bằng một hệ thống thanh toán phức tạp (được kích hoạt sau cuộc bầu cử ngày 6-5 thay đổi chính phủ Hy Lạp) nhằm đảm bảo sao cho Hy Lạp không thể đụng đến tiền mặt, bộ 3 đã nắn dòng tiền cứu trợ vào một tài khoản giao kèo tại Hy Lạp.

Số tiền sẽ nằm đó trong 2 hoặc 3 ngày trước khi phần lớn được chuyển ngược về bộ 3 với danh nghĩa thanh toán lãi suất cho các trái phiếu Hy Lạp mà châu Âu đã tiếp nhận theo điều kiện trong thỏa thuận cứu trợ đạt được hồi tháng 2.

Để trấn an các thị trường tài chính, ECB mua hàng tỷ EUR trái phiếu Hy Lạp và họ muốn nhận được tiền lời hàng tháng. Một số người thạo tin tiết lộ rằng bộ 3 ra sức gây áp lực tài chính lên Hy Lạp buộc nước này phải làm mọi chuyện có thể để tận thu thuế từ một nền kinh tế đang ngày càng bị tàn phá nặng nề hơn.

Từ tháng 5-2010 đến nay, khoảng 177 tỷ EUR đã được chuyển tới Hy Lạp để giữ cho quốc gia này khỏi vỡ nợ và làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng lớn hơn đe dọa cả liên minh tiền tệ EUR. Trong số tiền đó, có đến 2/3 đã chảy ngược vào túi bộ 3 và các trái chủ, còn lại 1/3 để duy trì các hoạt động của chính phủ Hy Lạp.

Nói tóm lại, các chủ nợ không thể để cho một chính phủ vỡ nợ rồi ùa vào siết tài sản như trong trường hợp một công ty, do đó họ phải “nuôi nợ” để chính phủ Hy Lạp dù ngắc ngoải nhưng vẫn sống và tiếp tục trả nợ bằng mọi cách.

Các tin khác