Thủ tướng Nhật giữa 2 làn đạn

Sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (ảnh) đang được tính từng ngày khi ông phải đứng giữa 2 “làn đạn” của đảng nhà Dân chủ (DPJ) và đảng đối lập Dân chủ Tự do (LDP) trong nỗ lực xốc lại nền tài chính đất nước.

Sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (ảnh) đang được tính từng ngày khi ông phải đứng giữa 2 “làn đạn” của đảng nhà Dân chủ (DPJ) và đảng đối lập Dân chủ Tự do (LDP) trong nỗ lực xốc lại nền tài chính đất nước.

Ông Noda đặt cược sự nghiệp chính trị của mình trong việc thông qua dự luật thuế tại kỳ họp quốc hội đang diễn ra, tuyên bố hoặc ông sẽ từ chức hoặc giải tán quốc hội để bầu cử lại nếu nỗ lực thất bại. Việc tăng thuế được xem như một cách cần thiết để vực dậy nền tài chính vốn đang “tơi tả” của Nhật Bản, một trong những nền tài chính công tệ nhất trong các nước công nghiệp.

Đảng cầm quyền DPJ và 2 đảng đối lập chính cùng nhất trí phải tăng thuế tiêu thụ lên gấp đôi, từ 5% lên 10%, qua 2 giai đoạn từ nay đến năm 2015, nhưng họ vẫn còn chia rẽ xung quanh các biện pháp cải tổ phúc lợi được cấp ngân sách từ việc tăng thuế, ước tính khoảng 13.500 tỷ yen (175 tỷ USD).

Hôm 13-6, ông Noda nói sẵn sàng xem xét chấp thuận yêu cầu của đảng phái đối lập lớn nhất LDP. “Tôi đang xem xét điều này kỹ lưỡng” - ông nói với một ủy ban của quốc hội. LDP gây áp lực buộc ông Noda ủng hộ những lời hứa khi tranh cử về phúc lợi hưu trí, chăm sóc trẻ em, người già và người nghèo.

Các đảng phái dự định bỏ phiếu thông qua dự luật tăng thuế ở hạ viện trước ngày 21-6, ngày kết thúc kỳ họp hiện tại. 2 đảng phái đã gặp nhau tuần trước, cùng với một đảng đối lập nhỏ hơn, nhưng thất bại trong việc xóa bỏ những cách biệt.

Vẫn chưa rõ ngài Thủ tướng đã chuẩn bị những gì để thương lượng với phe đối lập. Nếu nhân nhượng quá mức, ông Noda sẽ bị nội bộ DPJ chỉ trích vi phạm những điều chủ chốt chính DPJ từng hứa cách nay 3 năm khi tranh cử.

Thách thức lớn nhất của Thủ tướng Noda trong nội bộ DPJ đến từ ông Ichiro Ozawa, cựu chủ tịch và là người đang dẫn đầu nhóm lớn nhất trong đảng gồm hơn 100 thành viên.

Ông Ozawa chỉ trích việc tăng thuế sẽ phá vỡ cam kết từng giúp DPJ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện năm 2009, khi DPJ hứa sẽ tìm cách cắt giảm mọi khoản chi lãng phí trước khi nói đến chuyện tăng thuế. Nếu ông Noda không được sự ủng hộ của nhóm này và một số nhà làm luật thuộc DPJ khác, dự luật sẽ không được thông qua ngay cả khi có sự ủng hộ của LDP.

Ông Noda đã dùng chiêu bài dọa giải tán quốc hội để “trấn áp” nhóm của ông Ozawa và các đảng viên DPJ khác khỏi việc bỏ phiếu chống dự luật, vì như vậy DPJ có thể bị thất bại một khi tiến hành bầu cử lại. Nhưng một số nhà quan sát tin rằng ngay cả nếu dự luật được thông qua, một cuộc tổng bầu cử vẫn có thể diễn ra khi các nhà làm luật LDP tiếp tục thúc đẩy việc giải tán quốc hội như một điều kiện để họ ủng hộ dự luật.

Thủ tướng Noda cũng đối mặt với một vấn đề khác. Nhật Bản cần khởi động lại một số nhà máy điện hạt nhân để giúp đất nước bớt thiếu hụt năng lượng (hiện tất cả 54 nhà máy đã bị đóng cửa theo sau cuộc khủng hoảng hạt nhân hồi năm ngoái).

Trong vấn đề này, ông Noda cũng hợp tác với LDP để tái khởi động một nhà máy điện hạt nhân độc lập ở Fukui, cung cấp điện cho vùng công nghiệp Kansai, trọng tâm là Osaka.

Ông Noda sinh ngày 20-5-1957 tại thành phố Funabashi, tỉnh Chiba, trong một gia đình có cha là sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Năm 1980, Noda tốt nghiệp khoa Kinh tế và Chính trị của Đại học Waseda ở Tokyo, sau đó vào học khóa 1 của Học viện Quản lý Matsushita.

Noda kết hôn với bà Hitomi từ năm 1992 và có 2 con trai. Ông là fan hâm mộ của các môn võ thuật, bản thân ông là một võ sĩ judo đai đen. Từ khi làm Thủ tướng, quyết định quan trọng nhất của ông là thúc đẩy Nhật Bản tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vấn đề này cũng gây nhiều tranh cãi trong xã hội Nhật Bản. Noda theo phái chủ trương kiện toàn tài chính bằng tăng thuế. Hầu hết các thăm dò gần đây cho thấy ông Noda chỉ được 30% cử tri ủng hộ.

Các tin khác