Nhân vật trong tuần

Thủ tướng Hy Lạp - Nước cờ sinh tử

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 5-11 nhưng chiếc ghế Thủ tướng của ông vẫn lung lay chực đổ.

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 5-11 nhưng chiếc ghế Thủ tướng của ông vẫn lung lay chực đổ.

Trong khi thế giới còn chưa kịp thở phào vì các lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận cứu Hy Lạp, hứa hẹn bước khả quan giải quyết cơn ác mộng khủng hoảng nợ châu Âu, đột nhiên hôm thứ hai 31-10, Thủ tướng Hy Lạp Papandreou đề xuất trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU).

Dư luận rúng động, gần như tất cả các TTCK lớn toàn cầu đều lao dốc. Lãnh đạo Đức, Pháp - 2 quốc gia chủ chốt trong công cuộc giải cứu Hy Lạp - nổi giận, cảnh báo sẽ chẳng chi thêm một xu nào cho đến khi Hy Lạp xác định rõ lập trường về gói cứu trợ và cả về vị trí thành viên EU.

Dưới sức ép dư luận, nội bộ đảng của ông Papandreou bắt đầu rộ lên những lời phản đối, Bộ trưởng Tài chính công khai chỉ trích Thủ tướng. Có lẽ ông Papandreou đã trù tính dùng việc trưng cầu dân ý để xoa dịu sự bất mãn của dân chúng đối với các điều kiện quá khắc khổ đi kèm gói cứu trợ, hoặc là để gây áp lực với phe đối lập.

Nhưng ông đã gây ra sóng gió và những diễn biến tiếp theo dồn dập đẩy ông vào thế phải tuyên bố hủy bỏ dự định trưng cầu dân ý. Chưa hết, Chính phủ của ông phải chịu thử thách bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội.

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội.

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm
ở Quốc hội.

Trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Papandreou đã phát biểu một cách cảm động: “Tôi không mấy để ý đến địa vị của mình. Tôi không quan tâm mình có được tái đắc cử hay không. Đây là lúc phải có nỗ lực mới…”.

Dù Chính phủ của ông vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với số phiếu sít sao 153/300 và cuộc “dấy loạn” của một số kẻ chống đối trong đảng PASOK của ông không thành hiện thực, nhưng Thủ tướng Papandreou vẫn tỏ dấu hiệu sẽ rút lui khi mới đi được một nửa nhiệm kỳ.

Ông cho biết sẽ bàn bạc với Tổng thống thành lập một Chính phủ liên minh mới để thúc đẩy thỏa thuận cứu trợ 130 tỷ EUR qua cửa Quốc hội nhằm tránh cho đất nước khỏi bị phá sản, đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng thảo luận về chuyện ai sẽ đứng đầu chính phủ mới. Lãnh đạo đảng cực hữu LAOS và một đảng trung hữu khác đã ngỏ ý sẽ hợp tác trong liên minh mới.

Một số nguồn tin tiết lộ Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos đã giành được sự hậu thuẫn của các lãnh đạo một số đảng nhỏ hơn ủng hộ cho một liên minh mới do ông đứng đầu. Chính quyền mới sẽ tồn tại tới cuối tháng 2-2012 với nhiệm vụ đảm bảo thỏa thuận cứu trợ được thực hiện, sau đó sẽ tổ chức bầu cử sớm vào tháng 3.

Tuy nhiên, người đứng đầu phe bảo thủ đối lập Antonis Samaras tuyên bố không tham gia đàm phán thành lập liên minh. Thay vào đó, Samaras tỏ thái độ thù địch và yêu cầu lập tức bầu cử sớm. “Ông Papandreou đã từ chối đề nghị của chúng tôi. Ông ta phải chịu trách nhiệm. Giải pháp duy nhất là bầu cử” - ông Samaras tuyên bố.

Trong khi đó, ông Papandreou nhiều lần khẳng định ưu tiên số một là tương lai đất nước chứ không phải tương lai chính trị hay chiếc ghế Thủ tướng của bản thân. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã chấp nhận những điều kiện khắc khổ đầy đau đớn để Hy Lạp “sống sót” khi nhận được gói cứu trợ đầu tiên 110 tỷ EUR giữa năm 2010 và thuyết phục được châu Âu giúp thêm 130 tỷ EUR nữa vào ngày 27-10.

Nhưng với việc kêu gọi trưng cầu dân ý có thể nói là chỉ tính sai một nước cờ, ông đã đặt bản thân và đất nước vào tình thế sinh tử. Nếu phải bầu cử sớm trước khi kịp thu xếp ổn thỏa gói cứu trợ, thỏa thuận cứu trợ có thể bị xé toạc, Hy Lạp sẽ phá sản và thổi bùng ngọn lửa khủng hoảng kinh tế khu vực đồng euro.

Các tin khác