Thỏi nam châm kinh tế Hàn Quốc

(ĐTTCO) - Kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán truyền thống của Hàn Quốc (Seollal) năm 2019 diễn ra từ ngày 4 đến 6-2 và người Hàn Quốc lại ùn ùn kéo về quê để sum họp gia đình. 
Với lưu lượng giao thông tăng đột biến trong dịp Tết, xe cộ lại nhích từng bước trên những cung đường, và nghe nhạc chính là một trong những thú tiêu khiển tốt nhất để giảm bớt sự nhàm chán và mệt mỏi. Với giới trẻ, một trong những lựa chọn là thưởng thức các bài hát của BTS, nhóm nhạc thần tượng nam đang được yêu thích trên toàn cầu. 
BTS bắt đầu nổi như cồn vào năm 2017 khi công bố ca khúc Fake Love vào tháng 5. Ngay lập tức, ca khúc này đã xếp vị trí thứ 10 trên Bảng xếp hạng tuần Billboard Hot 100, bảng xếp hạng âm nhạc uy tín của Mỹ, trở thành ca khúc K-pop có thứ hạng cao nhất tại Mỹ. Vào cuối năm ngoái, album của BTS đã đứng đầu Bảng xếp hạng Billboard 200 dành cho các album.
Sự nổi tiếng của BTS còn được thể hiện qua số lượng lượt tìm kiếm trên Google, số lượt xem trên Youtube. Tính đến tháng 12-2018, BTS đang sở hữu 14 video nhạc có 100 triệu lượt xem trên trang Youtube. BTS đã trở thành một hiện tượng, nổi tiếng khắp toàn cầu mà chưa từng có một ngôi sao làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu nào đạt được. 
Thỏi nam châm kinh tế Hàn Quốc ảnh 1 Nhóm nhạc BTS (Hàn Quốc). 
Không chỉ là hiện tượng âm nhạc toàn cầu, BTS đã và đang mang lại hiệu ứng to lớn đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai Oh Joon-beom cho hay, theo ước tính khi sự phổ biến của nhóm BTS tăng 1%, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc sẽ tăng 0,45%.
Trung bình mỗi năm có tới 796.000 khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc nhờ BTS kể từ khi nhóm ra mắt. Xuất khẩu liên quan đến BTS thậm chí đã đạt 1,1 tỷ USD. Riêng trong năm 2017, BTS đã mang lại 7,6% trong tổng số khách du lịch nước ngoài đến thăm Hàn Quốc và 1,7% xuất khẩu tiêu dùng của Hàn Quốc. Theo Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai, BTS ước tính mang lại hiệu quả kinh tế lên tới 3,6 tỷ USD/năm, tương đương tổng doanh thu hàng năm của 26 doanh nghiệp tầm trung của Hàn Quốc trong năm 2016, với giá trị gia tăng 1,2 tỷ USD/năm.
Trên thực tế, ngành công nghiệp âm nhạc và giải trí phát triển như vũ bão, với vô số gương mặt mới ra mắt, nên rất khó dự đoán một ngôi sao Hallyu sẽ nổi tiếng trong bao lâu. Tuy nhiên, không giống như các ngôi sao K-pop khác, BTS đang sở hữu một lực lượng fan hùng hậu ở châu Mỹ và châu Âu. Thậm chí, số lượng fan hâm mộ mới của BTS vẫn tiếp tục gia tăng. Do đó, Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai ước tính BTS sẽ tạo ra 49 tỷ USD giá trị kinh tế tổng hợp, với 12 tỷ USD giá trị gia tăng trong thời gian từ năm 2014-2023. Con số này còn vượt xa 37 tỷ USD hiệu quả kinh tế do Thế vận hội mùa đông PyeongChang tạo ra năm 2018. 
Theo chuyên gia Oh Joon-beom, rất khó để biến một hiện tượng văn hóa sang giá trị kinh tế. Tuy nhiên, sự lan rộng của làn sóng Hallyu có thể góp phần tăng xuất khẩu hàng hóa, văn hóa và dịch vụ của Hàn Quốc, cũng như đóng vai trò quan trọng đối với ngành du lịch địa phương. Cùng với đó, các chiến lược tiếp thị là cực kỳ cần thiết. Chính phủ Hàn Quốc có thể sử dụng Hallyu để quảng bá các sản phẩm Made in Korea trên thị trường toàn cầu, xây dựng hình ảnh tích cực về Hàn Quốc ở nước ngoài. Nếu có được các gói tour du lịch kết hợp biểu diễn K-pop hoặc các buổi biểu diễn truyền thống, khi đó sẽ vừa thu hút vừa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nước ngoài. 

Các tin khác