Thịt nhân tạo - thực phẩm tương lai: Từ ý tưởng đến thực tiễn

(ĐTTCO) - Kể từ khi chiếc bánh burger kẹp thịt nhân tạo đầu tiên được đưa ra cho công chúng nếm thử ở London (Anh) vào ngày 6-8-2013, đến nay thịt nhân tạo vẫn chưa được biết đến nhiều. 

Tuy nhiên, đã có một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này và thịt nhân tạo được nhìn nhận là tương lai của ngành thực phẩm.

Những nhà tiên phong 
Người đầu tiên được cho là có ý tưởng về thịt nuôi cấy nhân tạo là cố Thủ tướng Anh Winston Churchill. Ông gợi ý vào năm 1931: "Chúng ta sẽ thoát khỏi cái vô lý khi nuôi cả con gà để chỉ ăn phần ức hoặc cánh, do vậy phải nuôi trồng những bộ phận này một cách riêng biệt dưới một môi trường phù hợp".
Việc nuôi cấy tế bào gốc từ động vật đã manh nha từ những năm 90 của thế kỷ trước, bao gồm sản xuất một lượng nhỏ mô về nguyên tắc có thể được nấu chín để ăn. Năm 1998, Jon F. Vein ở Hoa Kỳ đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế để sản xuất thịt chế biến, trong đó các tế bào cơ và mỡ được nuôi trồng theo cách thức tổng hợp để tạo ra các sản phẩm như thịt bò, thịt gia cầm và cá.
Tiếp đến, năm 2001 NASA đã tiến hành các thí nghiệm sản xuất thịt nuôi cấy từ các tế bào gà tây. Cũng thời gian này, bác sĩ da liễu Wiete Westerhof  Đại học Amsterdam, cùng bác sĩ Willem van Eelen và doanh nhân Willem van Kooten (Hà Lan), đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế trên toàn thế giới về quy trình sản xuất thịt được nuôi cấy. Trong quy trình này, chất collagen (loại protein chiếm 25-35% protein trong cơ thể động vật có vú) được nhân giống với các tế bào cơ, sau đó được ngâm trong dung dịch dinh dưỡng để kích thích phân chia tế bào và tăng trưởng. 
Thịt nhân tạo - thực phẩm tương lai: Từ ý tưởng đến thực tiễn ảnh 1 Nhóm nghiên cứu thịt gà nuôi cấy Công ty Memphis Meats. 
Mẫu thịt ăn được đầu tiên được sản xuất bởi Hiệp hội Nghiên cứu khoa học ứng dụng NSR/Touro năm 2002. Khi đó, các tế bào cá vàng phát triển giống philê cá. Năm 2003, Oron Catts và Ionat Zurr của Trường Y khoa Harvard đã trưng bày tại Nantes một "bít tết" rộng vài cm, được nuôi trồng từ những tế bào thân ếch. Mẫu bít tết này đã được nấu chín và ăn được.
Trong năm 2008, tổ chức bảo vệ động vật PETA treo thưởng 1 triệu USD cho công ty nào có thể mang thịt gà nhân tạo đến với người tiêu dùng đầu tiên trước năm 2012. Chính phủ Hà Lan đã chi 4 triệu USD vào các thí nghiệm về thịt nuôi cấy.
Hiệp hội Thịt trong ống nghiệm (IVMC) đã tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên về sản xuất thịt nhân tạo vào tháng 4-2008 để thảo luận về các khả năng thương mại hóa. Và tháng 11-2009, các nhà khoa học Hà Lan tuyên bố đã phát triển thịt trong phòng thí nghiệm, sử dụng các tế bào từ lợn sống. Tính đến năm 2012, 30 phòng thí nghiệm ở khắp nơi trên thế giới nghiên cứu về nuôi cấy thịt nhân tạo.

Các công ty khởi nghiệp
Ngày 6-8-2013, chiếc burger kẹp thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới được mang đến cho những người tham dự một hội nghị ở London ăn thử. Các nhà khoa học từ Đại học Maastricht, Hà Lan, do Giáo sư Mark Post đứng đầu, đã lấy tế bào gốc từ bò và nuôi chúng thành các dải cơ sau đó dùng để làm nhân bánh burger.
Những chiếc bánh burger được đầu bếp Richard McGeown của Nhà hàng Great House ở Couch, Polperro, Cornwall làm. Dự án được một người tên Sergey Brin tài trợ 250.000EUR, đã nuôi cấy được 20.000 dải mô mỏng. “Nó có một số hương vị gần với thịt. Nó thực sự ăn được và tôi nghĩ nó trông khá giống những chiếc burger bình thường” - nhà phê bình ẩm thực Hanni Ruetzler cho biết. 
Kể từ lần thử nghiệm công khai đầu tiên, một số công ty startup đã có những tiến bộ trong lĩnh vực này. Trong đó nổi trội nhất là Memphis Meats, một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon được thành lập bởi một chuyên gia tim mạch. Công ty này đã tung ra một video vào tháng 2-2016 giới thiệu thịt bò viên nhân tạo. Hồi tháng 3 năm nay, Memphis Meats giới thiệu các loại thịt gà và thịt vịt được nuôi cấy. Đó là lần đầu tiên thịt gia cầm được nuôi cấy thành công và giới thiệu cho công chúng.
Tháng 5-2017, Công ty Memphis Meats cho biết sẽ đưa sản phẩm ra thị trường vào năm 2021 nếu đủ tài chính. Hiện nay Memphis Meats đã huy động được 17 triệu USD từ quỹ đầu tư Series A và từ những nhà đầu tư nổi tiếng như Richard Branson, Bill Gates và Elon Musk. Từ khi thành lập vào năm 2015, đến nay Memphis Meats đã gọi vốn được 20 triệu USD. Ngoài ra, còn có một số công ty khởi nghiệp khác được biết đến như SuperMeat ở Israel, chuyên nghiên cứu nuôi cấy thịt gà nhân tạo; Mosa Meats ở châu Âu, chuyên thịt bò nhân tạo…

Quy trình sản xuất tiến bộ
Việc sản xuất thịt nuôi cấy thường gồm 3 bước. Đầu tiên, người ta thu thập các tế bào có tốc độ gia tăng nhanh chóng, như các tế bào gốc phôi thai, tế bào gốc người lớn… Các tế bào sau đó được nuôi bằng cách sử dụng một protein thúc đẩy sự phát triển của mô. Sau đó, chúng được đặt trong môi trường nuôi cấy, trong lò phản ứng sinh học, có khả năng cung cấp những yêu cầu năng lượng cần thiết.
Một khi quá trình nuôi cấy khởi động thành công, về lý thuyết có thể tiếp tục sản xuất thịt vô thời hạn mà không cần đưa ra các tế bào mới từ một sinh vật sống. Các nhà khoa học tuyên bố trong điều kiện lý tưởng, 2 tháng sản xuất thịt nuôi cấy có thể cho ra 50.000 tấn thịt từ 10 tế bào thịt lợn ban đầu.
Sản xuất thịt nuôi cấy đòi hỏi chất bảo quản, chẳng hạn như natri benzoat, để bảo vệ thịt đang phát triển khỏi bị nấm và lên men. Bột collagen, gum xanthan, mannitol và cochineal có thể được sử dụng theo những cách khác nhau trong quá trình chế biến. So với thịt tự nhiên, thịt nhân tạo được tin sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Các nhà nghiên cứu đã gợi ý rằng axit béo omega-3 có thể được bổ sung vào thịt nuôi để tốt hơn cho sức khỏe. Do môi trường được kiểm soát chặt chẽ và có thể dự đoán, sản xuất thịt nuôi cấy giảm nguy cơ hóa chất nguy hiểm như thuốc trừ sâu và thuốc trừ nấm, cũng như không làm tổn hại đến động vật.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Oxford và Đại học Amsterdam đã phát hiện ra rằng thịt được nuôi cấy chỉ phát thải khí nhà kính 4%, giảm nhu cầu năng lượng đến 45% và chỉ cần 2% diện tích đất đai ngành chăn nuôi gia súc thông thường sử dụng. Trong khi chăn nuôi gia súc thải ra 18% khí nhà kính trên trái đất hiện nay. 
(còn tiếp)

Các tin khác