Thiên đường thuế mất dần sức hút

(ĐTTCO) - Hội đồng châu Âu vừa đưa 2 quốc gia Bahamas và Liên bang Saint Kitts và Nevis ra khỏi danh sách đen “các thiên đường trốn thuế”. 
Thiên đường thuế mất dần sức hút
Bộ trưởng Tài chính Bulgaria Vladislav Goranov, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết việc danh sách trên ngày càng ít đi chứng tỏ việc công bố danh sách đạt hiệu quả.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Bahamas và Liên bang Saint Kitts và Nevis đưa ra những cam kết ở cấp cao nhằm xóa bỏ những quan ngại của Liên minh châu Âu (EU). Sau những đánh giá của các chuyên gia EU, 2 quốc gia này đã được chuyển từ “danh sách đen” các thiên đường thuế sang “danh sách xám” (gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ vốn không tuân thủ tiêu chuẩn chống trốn thuế của EU, song đã cam kết thay đổi). Những quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong danh sách đen gồm Guam, Namibia, vùng lãnh thổ Samoa của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Palau, Samoa, Trinidad và Tobago và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ.
Theo ông Vladislav Goranov, những quốc gia và vùng lãnh thổ bị liệt vào danh sách đen sẽ phải đối mặt với việc danh tiếng bị tổn hại và bị kiểm soát chặt chẽ trong các giao dịch tài chính với EU. EU đã thông qua các quy định mới, theo đó những thông tin về kế hoạch trốn thuế sẽ được chia sẻ giữa 28 nước thành viên. EU cũng nhất trí về các biện pháp mới nhằm buộc các kế toán và ngân hàng báo cáo về kế hoạch nhằm giúp các công ty chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế thấp.
Bên cạnh đó, các nước không cung cấp các thông tin cần thiết cho cuộc chiến chống trốn thuế sẽ không được tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tiền tệ quốc tế lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (WB). Tuy nhiên, ông Vladislav Goranov nhấn mạnh mặc dù các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã thực hiện việc cải cách chính sách thuế, nhưng trong nửa cuối năm nay, EU vẫn phải theo dõi xem họ có thực hiện những cam kết nghiêm túc hay không.
Ý tưởng lập một danh sách chung của EU về các “thiên đường thuế” được khởi xướng từ tháng 4-2016, sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”. Đến tháng 12-2017, “danh sách đen” thiên đường trốn thuế đã được công bố góp phần vào những nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thuế và thúc đẩy quá trình quản trị lành mạnh trên toàn thế giới.
Sau đó, đến tháng 1-2018, EU quyết định loại 8 nước và vùng lãnh thổ Barbados, Grenada, Hàn Quốc, Macao, Mông Cổ, Panama, Tunisia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ra khỏi danh sách sau khi có sự cam kết ở cấp chính trị cao của chính phủ các quốc gia trên. Nhưng đến tháng 3-2018, các Bộ trưởng Tài chính EU đã lại đưa đưa Bahamas, Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ và Liên bang Saint Kitts và Nevis vào danh sách đen các “thiên đường trốn thuế”.
Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp nhận định danh sách thiên đường thuế của Brussels đã cho thấy khả năng hành động của các thành viên trong liên hiệp. Để tránh bị nêu tên trong danh sách này, các nước phải chấp nhận trao đổi tự động các dữ liệu thuế khóa, cảnh giác với việc lập trụ sở của các công ty offshore (công ty ngoại biên, là công ty được đăng ký ở những vùng lãnh thổ mà ở đó họ có được mức ưu đãi miễn thuế hoàn toàn nếu công ty hoạt động với những khoản lợi nhuận phát sinh ngoài lãnh thổ đó) và chấp nhận các nguyên tắc của OCDE đối với thủ thuật tối ưu thuế của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên nhận định của nhiều chuyên gia, số lượng các nước bị liệt vào danh sách thiên đường thuế sau khi “bốc ra-cho vào” dường như mang tính chất cảm tính và ngoại giao giữa 28 bộ trưởng tài chính thành viên. Do đó Brussels cần tiến hành những hành động mạnh mẽ hơn nếu các nước châu Âu cảm thấy rằng đây là một công việc điều hòa lợi ích giữa các quốc gia trong khối hoặc chỉ là lợi ích liên quan đến cạnh tranh thuế khóa của một vài quốc gia trong liên hiệp như Hà Lan, Ai Len, Luxembourg.

Các tin khác