Thích ứng với thế giới đổi thay

(ĐTTCO) - 1. Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific) là khu vực địa lý gồm các vùng biển nhiệt đới thuộc Ấn Độ Dương, 
Tây và Trung Thái Bình Dương cùng với các vùng biển nối 2 đại dương này lại với nhau (tức vùng biển thuộc Indonesia). Theo từ điển Wikipedia, thuật ngữ này tỏ ra hữu ích trong ngành sinh vật học biển, ngư học và các ngành tương tự bởi nhiều hệ sinh thái biển được kết nối liên tiếp từ Madagascar đến Nhật Bản và châu Đại Dương và nhiều loài sống ở đó không có ở Đại Tây Dương.
Trong những năm gần đây, nó được dùng ngày càng nhiều trong giới an ninh và ngoại giao Australia, Ấn Độ và Nhật Bản thay cho "Châu Á - Thái Bình Dương". Theo đó một khu vực mới được hình thành, bao bọc bởi Ấn Độ về phía Tây, Hoa Kỳ ở phía  Đông và Australia ở phía Nam. 
Thuật ngữ nói trên cũng đã được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dùng liên tục trong chuyến công du châu Á kéo dài đến 12 ngày hồi tháng 11-2017. Đáng lưu ý trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 12-11-2017 tại Philippines, các quan chức ngoại giao của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã có cuộc đối thoại chính thức 4 bên, gọi là “Quad”. Trong buổi họp, 4 cường quốc này đã bàn về tầm nhìn và hệ giá trị của mỗi nước nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong một khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở cửa”, để mang lại lợi ích lâu dài cho các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo nhiều nhà quan sát, khái niệm “tứ cực” Ấn Độ - Thái Bình Dương đang tạo ra một trật tự khu vực mới để kìm hãm và giảm bớt sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặt khác, cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng giữa các siêu cường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra mạnh mẽ và sẽ ngày càng gay gắt hơn. Trong bối cảnh đó, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ phải đối đầu với những thách thức và đe dọa mới từ các cơ chế hợp tác và phát triển kinh tế mới với những khác biệt về phạm vi, mục đích và động thái của các siêu cường.
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là sáng kiến hợp tác toàn cầu mới bất chấp sự rút lui của Hoa Kỳ.  Một TPP không Hoa Kỳ có thể mất đến 60% GDP toàn cầu, nhưng giá trị thương mại lên đến đến 356,3 tỷ USD năm 2016 và liên quan đến vận mệnh của  500 triệu người thuộc các quốc gia thành viên.
Theo các chuyên gia, việc đạt được thỏa thuận CPTPP của 11 nước thành viên có ý nghĩa lớn về cải cách thể chế hơn là hướng đến các thị trường xuất khẩu như các cam kết về chuẩn mực lao động và môi trường, chống buôn người và hỗ trợ nghiệp đoàn. Có nhiều khả năng CPTPP sẽ được ký kết vào đầu năm 2019 và  khác với TPP phải có sự đồng ý của các nền kinh tế thành viên chiếm 85% GDP tức Hoa Kỳ và Nhật Bản, CPTPP chỉ cần sự đồng thuận đa số (6/11) sẽ có hiệu lực.
Trong CPTPP có 4 quốc gia ASEAN là Brunei, Malaysia. Singapore và Việt Nam cũng sẽ có những cam kết với sân chơi khác là Hiệp ước Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Mặc dù đã qua 20 vòng đàm phán cùng với hội nghị thượng đỉnh tại Manila trong năm ngoái, các bộ trưởng RCEP cũng chưa thống nhất ở nhiều điểm, như việc tự do hóa thương mại trong ngành dịch vụ theo đề xuất của Ấn Độ vốn có thế mạnh. Trong khi đó, các thành viên RCEP vẫn chưa sẵn sàng vì những nhạy cảm về chính trị trong nước, như việc mở cửa ngành nông nghiệp. 

 2. Khoảng 24% công việc tại Singapore sẽ không còn tồn tại vào năm 2030. Đó là số liệu tính toán theo dự báo trong nghiên cứu mới đây của hãng tư vấn doanh nghiệp McKinsey mang tên “Công việc mất đi, công việc tìm được: quá trình chuyển đổi của lực lượng lao động trong thời đại tự động hóa”.
Thật ra, xu hướng này không phải là mới với người dân đảo Sư tử khi nền kinh tế chuyển đổi từ lao động thâm dụng sang dịch vụ và các hoạt động giá trị cộng thêm. Tại Singapore, mô hình dịch vụ Uber hay Grab đã thay đổi diện mạo của loại hình taxi truyền thống, các ứng dụng thương mại điện tử đã kết liễu nhiều cửa hàng bán lẻ, dịch vụ xem video trực tuyến kiểu như Netflix đã lấn sân truyền hình cáp, Google và Facebook đã chiếm lĩnh lãnh địa của nhiều doanh nghiệp nội địa, cổng đăng ký mua vé máy bay hay giữ chỗ khách sạn đã tiêu diệt nhiều đại lý lữ hành, những ứng dụng truyền thông như WhatsApp hay WeChat đã đe dọa sự sống còn của các doanh nghiệp điện thoại… Tất cả thay đổi đa dạng này cho thấy công việc của người dân Singapore không còn ổn định theo suy nghĩ truyền thống.
Nhưng những điều người dân Singapore trải nghiệm và chứng kiến trong nhiều năm qua có lẽ chỉ là khúc dạo đầu trong thách thức thời cuộc mới bởi những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo (AI), tương lai thực (robotics), in ấn 3D và chuỗi khối (blockchain) sẽ làm người lao động phải điều chỉnh, cập nhật và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp của bản thân.
Tại Trung Quốc, Nhà máy Foxconn chuyên sản xuất iPhone, robot đã thay thế 60.000 công nhân và có khả năng sẽ làm như thế với 70% công việc dây chuyền lắp ráp của công ty này trong năm 2018. Robot cũng đang hoạt động tích cực trong các ngành như sản xuất ô tô, chế biến thực phẩm, dược phẩm, xây dựng và nông nghiệp. Xu thế sử dụng phương tiện vận chuyển chạy bằng điện cũng sẽ tác động đến hệ thống sinh thái đang phục vụ các phương tiện động cơ đốt trong. 
Trên cơ sở phân tích dữ liệu thu thập được từ 46 quốc gia trong nghiên cứu nói trên, McKinsey dự báo 1/3 công việc hiện nay sẽ được tự động hóa từ nay cho đến năm 2030 và tỷ lệ này sẽ thay đổi tùy điều kiện phát triển cụ thể của từng nước. Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào tháng 7-2017, ước tính 56% công việc tại 5 quốc gia ASEAN là Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ có nguy cơ biến mất trong 2 thập niên tới.
Nguyên nhân chủ yếu là nền kinh tế của các nước này có mức độ thâm dụng lao động cao trong ngành sản xuất như may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử, với đặc thù chức năng công việc đều đặn, lặp đi lặp lại và dễ bị robot thay thế. Ngay cả các lĩnh vực dịch vụ ở các nước này cũng sẽ bị đe dọa bởi thương mại điện tử và tự động hóa.
Theo đánh giá của McKinsey, nếu tiến trình tự động hóa diễn ra nhanh chóng sẽ có khoảng 375 triệu người hay 14% lực lượng lao động toàn cầu sẽ phải chuyển sang công việc mới hay học kỹ năng nghề nghiệp mới. Tuy nhiên, thách thức này cũng có thể được biến thành cơ hội khi có nhiều công việc mới hình thành, như nghề phân tích dữ liệu lớn, phát triển ứng dụng, quản lý truyền thông xã hội, điều hành drone hay lái xe Uber đã tồn tại từ nhiều năm nay. 
Theo ước tính của hãng tư vấn và kiểm toán Deloitte, khoảng 40% các công việc liên quan đến pháp lý sẽ được tự động hóa trong vòng 20 năm tới. Các hoạt động dịch vụ như ngân hàng, kế toán và phân tích tài chính cũng sẽ chín muồi với trào lưu tự động hóa. Ngành tư vấn điều trị y tế cũng có “bóng dáng” của AI, trong đó việc chẩn đoán ung thư, giải thích kết quả chụp X quang đã có độ chính xác cao hơn bác sĩ. Một số ca phẫu thuật hiện nay đã được thực hiện bằng robot và chinh phục được lòng tin của bệnh nhân...

Các tin khác