Thích, nhưng khó kích?

Ngày 11-1, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố gói kích thích kinh tế mới trị giá 20.200 tỷ yen (226,5 tỷ USD), với mong muốn đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ như hiện nay.

Ngày 11-1, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố gói kích thích kinh tế mới trị giá 20.200 tỷ yen (226,5 tỷ USD), với mong muốn đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ như hiện nay.

Theo hãng tin Kyodo, đây là gói chi tiêu lớn nhất của chính phủ Nhật Bản từ năm 2009 đến nay. Trong đó, 11.300 tỷ yen do chính quyền trung ương cấp nhằm kích thích kinh tế và trợ cấp hưu trí, phần còn lại do chính quyền các địa phương và khu vực kinh tế tư nhân góp sức.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Abe khẳng định gói chi tiêu mới sẽ tạo ra tăng trưởng đột phá cho nền kinh tế xứ Phù Tang (GDP Nhật Bản giảm 0,6% năm 2011, trong khi số liệu năm 2012 vẫn chưa được công bố). “Với các biện pháp này, chúng ta sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP thực khoảng 2% và có 600.000 việc làm mới” - ông Abe nói.

“Điều đặc biệt quan trọng đó là phải phá vỡ đà giảm phát kéo dài và tình trạng lên giá của đồng yen”. Bên cạnh đó, Chính phủ Abe dự trù chi 19.000 tỷ yen (216 tỷ USD) từ nay cho đến năm 2015 để tái thiết các khu vực bị tàn phá trong thảm họa động đất-sóng thần năm 2011, cũng có kế hoạch nâng ngân sách quốc phòng thêm 1,1 tỷ USD, từ mức 52,3 tỷ USD hồi năm ngoái. Đây sẽ là lần nâng ngân sách quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản trong vòng 1 thập niên qua.

Nhật Bản vẫn bị chỉ trích thiếu đồng thuận trong chính sách tài chính-tiền tệ và không có giải pháp dài hạn cho nền kinh tế.

Nhật Bản vẫn bị chỉ trích thiếu đồng thuận trong
chính sách tài chính-tiền tệ và không có giải pháp dài hạn cho nền kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp này chỉ có tác dụng nhất thời, hãng CNBC cảnh báo “đừng vội mừng”. “Gói kích thích mới khá lớn và sẽ tạo ra cú hích lớn, nhưng tôi nghĩ rằng nó cũng sẽ chết yểu như các gói kích thích trước đó” - theo Tim Condon, Giám đốc Nghiên cứu của Asia ING Financial Markets ở Singapore.

“Tôi sẽ lạc quan hơn nhiều nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đồng thuận với ông Abe và nói sẽ thay đổi cách thức hoạch định chính sách tiền tệ và trở nên hợp tác hơn”. BOJ và Chính phủ Nhật Bản sẽ có cuộc đàm phán vào cuối tháng này để bàn về các chính sách tiền tệ, tài chính.

Người ta mong đợi BOJ sẽ đồng ý nâng mục tiêu lạm phát lên 2% từ mức 1% như hiện nay để kích thích tăng trưởng. Các nhà kinh tế cho rằng bên cạnh các biện pháp tiền tệ táo bạo và một sự thúc đẩy tài chính ngắn hạn, ông Abe cần triển khai những biện pháp cải tổ dài hạn để duy trì sự lạc quan của các thị trường đối với Nhật Bản.

Những thay đổi được đề xuất bao gồm việc nới lỏng thị trường lao động và tài chính. Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động do dân số ngày càng già đi, trong khi chính sách nhập cư cực kỳ khắc nghiệt.

“Chúng tôi dự báo gói kích thích mới nhất có thể giúp GDP Nhật Bản tăng 0,8% trong năm nay và 1% vào năm tới” - nhà phân tích Byrne của hãng đánh giá tín nhiệm Moody's Investors Services nói.

Tuy nhiên, các nhà phân tích trên tạp chí tài chính Anh Financial Times (FT) lại bi quan hơn khi khẳng định gói kích thích sẽ “khó kích tăng trưởng”. FT nhắc lại mùa xuân năm 2009, sau khi “bão Lehman” vừa nổi lên, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Taro Aso đã triển khai những biện pháp kinh tế ông gọi là “tên lửa 3 tầng”, trị giá 15.400 tỷ yen.

Nhưng rõ ràng “tên lửa 3 tầng” đã không kích được nền kinh tế xứ Phù Tang. 4 năm trôi qua và 4 đời thủ tướng đã thay nhau, nhưng Nhật Bản hiện vẫn ở trong suy thoái, nợ công 233% GDP trong năm 2012. Vấn đề của các gói kích thích kinh tế của Nhật Bản, theo FT, cũng là thiếu giải pháp dài hạn.

“Những gì Nhật Bản cần là các chính sách dài hạn để tăng tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng” - Hiroshi Shiraishi, kinh tế gia của BNP Paribas ở Tokyo, nói với FT. Nhưng các chuyên gia cho rằng gói kích thích mới nhất không khá hơn các gói kích thích trước đó. Đặc biệt, FT tính ra rằng có tới 10.000 tỷ yen trong gói kích thích mới thật ra đã ở trong những chương trình cũ.

Các tin khác