Thư Singapore

Thách thức ngân hàng Singapore 2012

Sau một năm đầy biến động với cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro (Eurozone) có thể kéo theo nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng Singapore chào đón năm mới 2012 cùng với nhiều cơ hội và thách thức: Khủng hoảng tại châu Âu vẫn chưa thể chấm dứt bất chấp những tuyên bố đầy hoa mỹ của các nhà lãnh đạo châu Âu và hành động mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Sau một năm đầy biến động với cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro (Eurozone) có thể kéo theo nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng Singapore chào đón năm mới 2012 cùng với nhiều cơ hội và thách thức: Khủng hoảng tại châu Âu vẫn chưa thể chấm dứt bất chấp những tuyên bố đầy hoa mỹ của các nhà lãnh đạo châu Âu và hành động mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Chính phủ, người dân và ngân hàng ở cựu lục địa giờ đây phải tìm cách giảm nợ và đồng thời những biện pháp siết chặt tài khóa và thắt lưng buộc bụng chắc chắn sẽ làm kinh tế châu Âu giảm tăng trưởng. Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín, 17 nước Eurozone sẽ chìm vào khủng hoảng trong những tháng đầu năm.

Nói cách khác, các ngân hàng châu Âu sẽ tiếp tục giảm hoạt động tại châu Á, cắt giảm nhân viên, nghiệp vụ ngân hàng và hạn mức tín dụng. Uy tín của các ngân hàng lớn như Deutsche Bank và BNP Paribas cũng sụt giảm qua đánh giá mới đây của Standard & Poor’s.

Theo ước tính của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), sự thoái lui nói trên của các ngân hàng châu Âu có thể tạo ra lỗ hổng về doanh số cho vay ở châu Á lên đến 390 tỷ USD. Nhưng đây cũng là cơ hội cho 3 ngân hàng nội địa Singapore là DBS, UOB và OCBC (ảnh) cho vay và lấy thêm khách hàng mới.

Thế nhưng điều này kéo theo nguy cơ thiếu hụt thanh khoản USD. Giám đốc nghiên cứu chi nhánh Ngân hàng CIMB tại Singapore, ông Kenneth Ng nhận định: “Khi châu Âu rơi vào khủng hoảng, các ngành có liên quan đến xuất khẩu và vận tải biển phải đối đầu với tình trạng thanh toán trễ hạn và chi phí tín dụng ngân hàng sẽ theo đó tăng lên”.

Trong cuộc họp gần đây, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cho biết sẽ duy trì lãi suất gần bằng không và khẳng định tình trạng này có thể kéo sang năm 2013. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến Singapore, bởi lãi suất không do Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) ấn định mà do thị trường điều chỉnh theo sát những gì đang diễn ra tại Hoa Kỳ.

Lãi suất cho vay liên ngân hàng (SIBOR) vẫn quanh quẩn ở mức thấp và nếu có tăng chỉ trong trường hợp các ngân hàng siết chặt tín dụng. Lãi suất SIBOR hiện nay là 0,39% và theo các nhà kinh tế, nếu tăng cũng chỉ leo đến mức 0,5% vào cuối năm nay. Như vậy, các ngân hàng Singapore phải xử lý chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và cho vay mới có thể tăng lợi nhuận.

Dư nợ tín dụng cho vay của các ngân hàng Singapore trung bình tăng 26% trong năm 2011 và chỉ có thể tăng 5% trong năm 2012. Những biện pháp làm nguội thị trường bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cho vay có thế chấp của ngân hàng.

Theo nhận định của MAS, trong năm 2012  các ngân hàng Singapore sẽ đối đầu 3 rủi ro. Trước hết, kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại có thế dẫn đến hệ lụy giảm lợi tức doanh nghiệp, khả năng tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập. Người vay vốn ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn và chất lượng các khoản cho vay cũng kém hơn.

Trong năm 2012, kinh tế Singapore chỉ tăng trưởng 1-3% so với 5% trong năm 2011. Theo giám đốc nghiên cứu của công ty môi giới chứng khoán DMG & Partners, ông Leng Seng Choon, các ngân hàng thương mại Singapore cần lưu ý các khoản cho vay khó thu hồi, nhất là các khoản thế chấp chủ yếu là bất động sản.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các ngân hàng cũng tiếp tục vật vờ và chưa thể đạt mức cao so với cách đây 3 năm. Trong năm ngoái, cố phiếu ngân hàng của Singapore giảm 16,5% và song hành với tỷ lệ giảm 16,2% của chỉ số STI.

Nhưng nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng sau khi phục hồi từ khủng hoảng tài chính năm 2008, tăng trưởng của các ngân hàng Singapore trong thời gian qua tương đối tốt. Tổng lợi nhuận 3 ngân hàng gộp lại là 5,6 tỷ SGD trong năm 2008, tăng lên 5,9 tỷ SGD trong năm 2009 (tăng 5%), trong năm 2011 là 7,6 tỷ SGD (tăng 29%) và dự báo 2012 bằng 2011.

Tuy nhiên, với những thách thức trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu trong năm 2012, những đánh giá hay nhận định nói trên về ngân hàng Singapore có lẽ cần phải được xem xét lại trong vòng 6 tháng tới.

Singapore, tháng 1-2012

Các tin khác