Thách thức các ông lớn công nghệ Hoa Kỳ

(ĐTTCO) - Ngày 20-3 vừa qua, thị trường chứng khoán châu Á và Hoa Kỳ đã chứng kiến phiên giao dịch đỏ sàn khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ do những liên quan đến tai tiếng của các ông lớn công nghệ Hoa Kỳ, cũng như trước phiên họp 2 ngày của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED).

Facebook đang bị điều tra xung quanh những nghi vấn về việc để rò rỉ 50 triệu hồ sơ cá nhân. Trong khi đó, theo một đề xuất của Ủy ban châu Âu, Alphabet-công ty mẹ của Google hay Twitter đang hoạt động tại châu Âu, có thể bị đánh thuế 3% tổng doanh thu...
Những vụ việc này làm dấy lên tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư rằng cổ phiếu công nghệ đã không còn là mảnh đất sinh nhiều lợi nhuận. Theo giới quan sát, năm 2017, thần tài tận tình chiếu cố các tập đoàn tin học Hoa Kỳ trong nhóm được gọi tắt là GAFAM (bao gồm các đại gia công nghệ Google, Apple, facebook, Amazon và Microsoft). 5 công ty này cộng lại có trị giá chứng khoán lên tới 3.000 tỷ USD, hơn GDP của Pháp.
Dù vậy, đây cũng là năm uy tín của các đại tập đoàn này sụt giảm và phải đối mặt với nhiều thách thức. Uy tín của những con chim đầu đàn trong công nghệ kỹ thuật số này phần nào bị sứt mẻ trong mắt người sử dụng vì những tai tiếng fake news (thông tin giả). Phía các chính quyền chỉ trích nhóm GAFAM áp đảo thị trường, bóp nghẹt mọi khả năng cạnh tranh và nhất là luồn lách thuế. Nguồn quảng cáo có nguy cơ bị đe dọa cạn dần.
Thách thức các ông lớn công nghệ Hoa Kỳ ảnh 1 Facebook đang bị điều tra xung quanh những nghi vấn về việc để rò rỉ 50 triệu hồ sơ cá nhân.  
Đầu năm, Keith Weed, Giám đốc thương mại của tập đoàn Unilever (có ngân sách quảng cáo trên mạng 8,9 tỷ USD), dọa ngưng các chiến dịch quảng cáo với 2 đối tác lớn là facebook và Google.
Nguyên nhân khiến Unilever phẫn nộ do các diễn đàn trao đổi đầy rẫy những thông tin thất thiệt, những tin nhắn mang tính kỳ thị, quá khích và miệt thị về mặt giới tính. Mặt khác, Unilever đang lo ngại vì nhóm GAFAM này đang trở thành một phương tiện để quảng cáo quá lớn mạnh. Từ năm ngoái, thị trường quảng cáo trên mạng của thế giới đã qua mặt luôn cả thị cả thị trường truyền thống là các kênh truyền hình. 
Về phần mạng xã hội facebook, fake news cũng là một vấn đề khiến ban điều hành công ty này phải đau đầu. Tại Hoa Kỳ, facebook đã phải điều trần trước Quốc hội về những cáo buộc là đã để cho các thông tin thất thiệt được lan truyền trên các trang thuộc về những người có tài khoản sử dụng facebook. Chính phủ Đức dự trù phạt đến 50 triệu EUR mỗi khi “tin nhảm” được lưu lại trên mạng xã hội này quá 24 giờ. Pháp nghiên cứu khả năng hủy những tài khoản tung tin giả.
Ngoài ra, Apple phải trả lời trước những cáo buộc cố ý thu ngắn độ bền của các sản phẩm để bắt người tiêu dùng phải thường xuyên mua đồ mới. Google hay Amazon thì bị chỉ trích là luồn lách thuế. Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Ireland phải thu 13 tỷ EUR thuế từ trước tới nay Dublin đã tỏ ra khoan nhượng với Apple; còn Amazon phải trả 250 triệu EUR tiền thuế cho một nước nhỏ như Luxembourg.
Với sức mạnh của mình, GAFAM ngày càng mở rộng tầm hoạt động. Google không chỉ là một cổng tìm kiếm, mà đã hiện diện luôn cả trong lĩnh vực xe hơi không người lái. Amazon không đơn thuần là một trung gian giao hàng đến tay người mua mà đã đầu tư rất nhiều vào ngành dược phẩm. Trong khi đó, Apple đang đi những nước cờ chiến lược để trở thành một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực y tế, giúp người sử dụng các ứng dụng của Apple giữ gìn hay chăm sóc sức khỏe...
Đến nay, GAFAM ngày càng trở thành những người bạn đồng hành thân thuộc với con người, biết rất nhiều, rất rõ, từ thói quen đến sở thích của từng người. Tuy nhiên, không ai biết GAFAM làm gì, khai thác đến đâu với tất cả những thông tin cá nhân đó và điều gì sẽ xảy ra nếu như những dữ liệu đó lọt vào tay những kẻ ác ý?

Các tin khác