Tàu điện chạy bằng năng lượng mặt trời

Tàu lửa này không có gì khác so với những loại tàu lửa khác. Duy chỉ có điểm khác biệt: vận hành bằng năng lượng mặt trời chứ không sử dụng nguồn năng lượng khác.

Tàu lửa này không có gì khác so với những loại tàu lửa khác. Duy chỉ có điểm khác biệt: vận hành bằng năng lượng mặt trời chứ không sử dụng nguồn năng lượng khác.

Đầu tháng 6 vừa qua, chuyến “tàu điện xanh” đầu tiên đã chạy trên quãng đường 25km gần Anvers, phía Bắc nước Bỉ. Hệ thống cung cấp năng lượng cho tàu gồm 16.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên nóc một đường hầm xe lửa với chiều dài 3,4km thuộc tuyến tàu cao tốc nối liền Anvers và Amsterdam (Hà Lan).

Sau khi rời khỏi đường hầm, tàu điện chuyển từ nguồn điện mặt trời sang nguồn điện của hệ thống và hoạt động bình thường. Và từ đó trở đi, mọi chuyến tàu đi qua Anvers sẽ được chạy bằng năng lượng mặt trời do hệ thống này cung cấp.

Pin mặt trời được lắp đặt trên bề mặt của đường hầm Anvers (Bỉ).

Pin mặt trời được lắp đặt trên bề mặt của đường hầm Anvers (Bỉ).

Lúc đầu, đường hầm nói trên được xây dựng trong một khu bảo tồn thiên nhiên, có mục đích sinh thái hoàn toàn khác. Đó là ngăn chặn việc cây cối bị chặt phá do cản trở giao thông. Sau này, nóc của đường hầm là nơi rất lý tưởng để đặt các tấm thu năng lượng mặt trời. Với diện tích khoảng 50.000m2 (gần bằng 8 sân bóng đá tiêu chuẩn), lượng pin này có thể tạo ra 3.300MWh điện.

Con số trên tương đương với lượng điện tiêu thụ hàng năm của gần 1.000 hộ gia đình. Theo hãng Thông tấn Belga của Bỉ, lượng điện sản sinh từ các tấm thu năng lượng mặt trời không chỉ giúp vận hành 4.000 chuyến tàu tiêu chuẩn hay cao tốc đi qua đường hầm, mà còn cung cấp điện chiếu sáng, sưởi ấm cho các nhà ga tại Bỉ hay thắp sáng các đèn tín hiệu.

“Khi sử dụng điện sản xuất tại chỗ, chúng ta có thể giảm thiểu lượng điện năng thất thoát và chi phí vận chuyển. Bằng cách sử dụng điện năng từ mặt trời, chúng ta có thể giảm chi phí cho năng lượng và giảm giá vé cho hành khách” - Steven De Tollenaere, Giám đốc công ty Enfinity (Bỉ), nhấn mạnh, Enfinity là doanh nghiệp đã đưa ra ý tưởng về dự án điện mặt trời cho tàu lửa trị giá 15,7 triệu EUR này. Ông De Tollenaere cho biết, nếu có thêm hỗ trợ tài chính của Nhà nước, điện sản xuất ra sẽ nhiều hơn, có thể bán cho cả các hãng vận tải như SNCB (Công ty Đường sắt Bỉ) hay hãng tàu cao tốc Thalys (Bỉ). 

Bart Van Renterghem, thành viên ban lãnh đạo của Enfinity, trong một bài viết trên tờ Guardian (Anh) khẳng định: “Đối với các doanh nghiệp đường sắt, các tấm thu năng lượng mặt trời là cách tốt nhất giúp giảm khí CO2 thải ra từ các con tàu. Mặt khác, bạn có thể tận dụng không gian vốn chẳng mang lại lợi ích kinh tế nào và các dự án có thể được hoàn thành trong thời gian dưới một năm. Chính vì lý do này năng lượng mặt trời ít bị phàn nàn hơn năng lượng gió”.

Van Renterghem dự báo sẽ cắt giảm 47,3 triệu kg khí CO2 thải ra trong vòng 20 năm, tức 2.400 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, theo báo Figaro, lượng điện “đường hầm mặt trời” này tạo trong một năm chỉ tương đương với lượng điện các chuyến tàu lửa của Bỉ sử dụng trong 1 ngày. Nhưng theo những người thực hiện dự án, rồi sẽ có nhiều bề mặt, như mái nhà ga, nhà chứa máy bay và khu đất rộng lớn khác ở gần các đường sắt, có thể được sử dụng để đặt các tấm năng lượng mặt trời.

Các tin khác