Tàu cao tốc nhìn từ Nhật Bản

(ĐTTCO)-Cách đây đúng 60 năm, Nhật Bản đã khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của xứ sở hoa anh đào. Bước đi của Tokyo khi đó được xem là sự thăng hoa cần thiết cho công cuộc tái thiết và phát triển đất nước sau chiến tranh. Và đến nay, hệ thống tàu Shinkansen của Nhật Bản được xem là chuẩn mực của tàu cao tốc thế giới.
Hệ thống tàu Shinkansen của Nhật Bản được xem là chuẩn mực của tàu cao tốc thế giới, nhưng vẫn giữ ở mức 210km/giờ khi đưa vào sử dụng.
Hệ thống tàu Shinkansen của Nhật Bản được xem là chuẩn mực của tàu cao tốc thế giới, nhưng vẫn giữ ở mức 210km/giờ khi đưa vào sử dụng.
Chín mùi về hạ tầng và con người
Tổng kinh phí xây dựng tuyến tàu cao tốc đầu tiên Đông Hải Đạo Shinkansen (Shinkansen Tōkaidō - dài 615,4km) của Nhật là 380 tỷ yen, chỉ bằng 2,4% tổng sản phẩm quốc dân (GNP) năm 1960. Nước này đã vay của Ngân hàng Thế giới 80 triệu USD (28,8 tỷ yen), tương đương 7,6% tổng kinh phí xây Shinkansen. Tuy nhiên, trước khi quyết định khởi công xây dựng đường sắt cao tốc vào năm 1959, Nhật Bản đã hội tụ được những yếu tố "cần và đủ".
Thứ nhất, nước này đã có một quá trình tích lũy lâu dài về kinh nghiệm xây dựng đường sắt. Từ năm 1907, Nhật đã lập Viện nghiên cứu kỹ thuật đường sắt, đào tạo nhiều chuyên gia về kỹ thuật và quản lý, vận hành đường sắt.
Tính đến năm 1959, Nhật Bản đã có hơn 50 năm tích lũy tri thức, công nghệ về đường sắt. Và trong thực tiễn, chiều dài đường sắt đang hoạt động của Nhật Bản đã đạt trên 20.000km, phục vụ chuyên chở cho 12 tỷ lượt người. Hàng hóa chuyên chở bằng đường sắt tính trên đầu người vào năm 1960 đã đạt 568 tấn/km. 
Thứ hai, trước khi xây dựng đường sắt cao tốc, Nhật Bản đã có cơ sở hạ tầng giao thông và bến cảng hiện đại, hoàn chỉnh. Kobe, Yokohama đã là những thương cảng lớn và hiện đại bậc nhất thế giới, phục vụ đắc lực cho việc nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng công nghiệp. Ngoài đường sắt, hệ thống đường bộ (xe hơi) cũng rất hoàn chỉnh. Vào năm 1960, hàng hóa chuyên chở bằng xe hơi tính trên đầu người đã đạt 220 tấn/km. 
Thứ ba, về mặt xã hội, trước khi xây dựng Shinkansen, hệ thống giáo dục, nghiên cứu khoa học, y tế… của Nhật Bản đã hoàn thiện. Chẳng hạn, vào năm 1960, ở đại học công lập trung bình 1 giáo viên chỉ dạy 6 sinh viên.
Giáo sư, phó giáo sư đều có phòng nghiên cứu riêng. Trong khi đó, học phí ở đại học công chỉ 10.000 yen/năm, bằng 6% thu nhập đầu người. Học phí đại học tư trung bình 30.000 yen/năm, chỉ bằng một tháng thu nhập của một gia đình giới lao động. 
Địa lý phù hợp
 Hầu hết những chuyến tàu cao tốc ban đầu của Nhật chú trọng vào độ an toàn hơn là tốc độ, chúng hầu hết được giữ ở mức 210km/giờ và chỉ được nâng dần khi những công nghệ mới ra đời đảm bảo tính an toàn tuyệt đối.
Theo giới chuyên môn, một trong những yếu tố quan trọng góp phần khiến ngành tàu cao tốc Nhật phát triển mạnh là vị trí địa lý. Hầu hết 128 triệu dân Nhật Bản tụ tập tại các khu vực đông dân cư và những trung tâm đông đúc, nên khoảng cách di chuyển bằng tàu cao tốc sẽ tiện lợi, nhanh chóng hơn cả máy bay lẫn ô tô.
Theo nghiên cứu, đường sắt cao tốc thích hợp nhất cho những chuyến đi 2-3 giờ (250–900km), với khoảng cách này tàu cao tốc có thể thắng cả máy bay và ô tô. 
Khi đi lại chưa tới 650km, quá trình checking và kiểm tra an ninh tại các sân bay, cũng như thời gian cho chính chuyến bay khiến thời gian đi bằng máy bay không nhanh hơn đường sắt cao tốc. Với những chuyến tàu cao tốc Shinkansen, người dân Nhật Bản ở các khu vực đông dân cư cách nhau chưa tới 1.000km có thể dễ dàng di chuyển, hợp tác làm ăn, du lịch với nhau.
Tàu cao tốc cũng có tính cạnh tranh với ô tô trên những khoảng cách ngắn, như 50-150km cho những người phải đi làm hàng ngày nếu có sự tắc nghẽn đường bộ, hoặc những người phải trả phí đỗ xe đắt đỏ ở nơi làm việc. 
Sự xuất hiện của tàu cao tốc nhờ đó giúp mở rộng thị trường lao động quanh một thành phố lớn. Đi lại bằng đường sắt cũng ít phụ thuộc hơn vào thời tiết so với đường không. Nếu hệ thống đường sắt được thiết kế và điều hành tốt, các điều kiện thời tiết cực đoan như tuyết lớn, nhiều sương mù và bão không ảnh hưởng tới các chuyến đi; trong khi đó những chuyến bay thường bị hủy bỏ hay trì hoãn trong các điều kiện đó. 
Bằng mạng lưới tàu cao tốc, 40 triệu người dân Tokyo đã có thể kết nối với hơn 20 triệu người ở Osaka, Kobe, Kyoto trong 1 ngày di chuyển khi mà các công nghệ về thông tin liên lạc còn chưa thực sự phát triển. Rất nhiều người dân Nhật giàu có hay các thương nhân thời đó sẵn sàng trả mức vé cao để đi tàu cao tốc.
Chỉ trong vòng 3 năm khai trương (1964), hệ thống tàu cao tốc đã vận chuyển 100 triệu hành khách và đạt mốc 1 tỷ người vào năm 1976. Hiện nay, con số này là 353 triệu người hàng năm. 
Lợi ích được đề cập nhiều nhất là Shinkansen cho phép lao động ở những nơi xa xôi, kém phát triển đến Tokyo làm việc chỉ trong 2 giờ.
Theo Guardian, chính điều này đã giúp Tokyo tái thiết sau chiến tranh và phát triển như hiện tại. Một tác động khác là giúp ngành du lịch bùng nổ. Khi các vùng xa xôi có thể tiếp cận dễ dàng bằng tàu, du khách sẽ ghé thăm những nơi này thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, Shinkansen còn giúp Nhật Bản giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

An toàn nhất thế giới
Từ năm 1907, Nhật đã lập Viện nghiên cứu kỹ thuật đường sắt, đào tạo nhiều chuyên gia về kỹ thuật và quản lý, vận hành đường sắt. Tính đến năm 1959, Nhật Bản đã có hơn 50 năm tích lũy tri thức, công nghệ về đường sắt.
Với mũi tàu thuôn dài, các toa xe sạch sẽ, ô cửa sổ rộng hơn nhiều lần so với máy bay của tàu Shinkansen, hành khách sẽ cảm nhận được phong cảnh gần gũi hơn. Shinkansen hấp dẫn không chỉ với du khách người nước ngoài mà chính những người Nhật Bản. Tàu Shinkansen chạy trên loại đường ray kiểu thông thường nhưng được gia cố và bảo trì nghiêm ngặt. Một hệ thống kiểm soát tự động được áp dụng để tránh tai nạn bằng cách duy trì khoảng cách an toàn giữa các tàu, đồng thời ngăn không để tốc độ vượt quá giới hạn cho phép.
Tất cả các tàu đều được giám sát và kiểm soát bằng các hệ thống vi tính kiểm soát giao thông ở Tokyo. Các toa tàu đều được thiết kế theo hình dáng khí động học, cửa sổ không thể mở ra nhưng bên trong được thông gió và có gắn hệ thống điều hòa không khí. Vận tốc các tàu Shinkansen không ngừng được nâng lên qua những lần thay đổi về cấu tạo, thiết kế… 
Tốc độ đầu tiên của Shinkansen là 210km/giờ vào năm 1964 về sau được nâng lên 320km/giờ và hiện tại là 320km/giờ với tàu E5 tuyến Tohoko Shinkansen. Hầu hết những chuyến tàu cao tốc ban đầu của Nhật chú trọng vào độ an toàn hơn là tốc độ, chúng hầu hết được giữ ở mức 210km/giờ và chỉ được nâng dần khi những công nghệ mới ra đời đảm bảo tính an toàn tuyệt đối.
Hiện nay, chiếc tàu cao tốc nhanh nhất trên thế giới là tàu SCMaglev của Nhật Bản, với tốc độ tối đa có thể đạt 603km/giờ. Tuy nhiên, vì lý do an toàn người Nhật không cho tàu chạy hết vận tốc, mà chỉ duy trì vận tốc hoạt động ở mức 320km/giờ, thấp hơn hệ thống tàu cao tốc của Trung Quốc (350km/giờ). Mức giá vé tàu cao tốc dù đắt nhưng vẫn rẻ hơn vé máy bay. Với khoảng cách dưới 750km, tàu cao tốc hoàn toàn áp đảo các hãng hàng không về chất lượng, thời gian và mức giá. 
Theo các tài liệu, dù công nghệ tàu cao tốc được phát triển đầu tiên ở Đức hay Pháp, nhưng Nhật Bản đã gửi các kỹ sư công nghệ sang học tập khá nhanh và đến nay có một số công nghệ của Đức được Nhật áp dụng xây tàu cao tốc, trong khi tác giả của chúng thậm chí chưa xây được con tàu nào dùng kỹ thuật này.
Một điểm đáng chú ý khác, các công ty đường sắt ở Nhật Bản tính ra rằng tỷ lệ tàu Shinkansen đến bến đúng giờ, không sai 1 giây là 96,1%. 
Theo Japan Today, năm 2012 các tập đoàn đường sắt Nhật Bản đã xin lỗi hành khách vì để số thời gian trễ chuyến trong cả năm lên đến 36 giây (tuyến Tokyo – Osaka). Theo các chuyên gia châu Âu, thời gian trễ chuyến được tính bằng phút, mà Shinkansen chỉ tính trễ theo giây, do đó nó vẫn là những chuyến tàu đúng giờ nhất thế giới.
Con tàu nổi tiếng thế giới này cũng luôn xếp hạng nhất về mức độ an toàn khi chạy trong điều kiện thiên tai, mưa bão, thậm chí vẫn đúng giờ cho dù gặp động đất. 

Các tin khác