Sức mạnh mềm Phnom Penh

(ĐTTCO) - 1. Khác với lần đầu đi bằng đường bộ từ Việt Nam sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, lần này tôi bay thẳng từ Singapore sang. Chuyến bay của Silk Air khởi hành lúc 7 giờ 40 sáng, thời gian bay không quá 2 tiếng.
Tôi đón dịch vụ taxi sân bay Phnom Penh về khách sạn với giá 15USD. Điều ấn tượng với tôi là các tài xế taxi đều mặc đồng phục áo sơ mi tay dài màu xanh đóng thùng. Trước mặt chỗ tôi ngồi có treo bản thông tin tên họ tài xế, số căn cước, bảng số xe, số điện thoại và đường dây nóng để hành khách gặp vấn đề có thể liên hệ. Thông tin này của Hiệp hội Taxi sân bay Phnom Penh được xác nhận và đóng dấu lên ảnh của tài xế. 
Tôi bắt chuyện với tài xế tên Bun Thoeun, được biết năm nay anh 54 tuổi, và đây là chuyến xe đầu tiên trong ngày. Tôi hỏi một ngày chạy mấy cuốc, Bun thật thà cho biết sau khi chở tôi về khách sạn anh sẽ về nhà ăn cơm, nghỉ trưa sau đó khoảng 3 giờ chiều ra sân bay kiếm thêm cuốc nữa. Tối về ăn cơm, nghỉ một chút rồi chạy chuyến cuối. Mỗi cuốc xe anh trả tiền thuê xe cho công ty 5USD, tôi nhẩm tính nếu hôm nay anh chạy đủ 3 chuyến thu nhập ròng trong ngày là 30USD. 
Đường phố Phnom Penh rộng thênh thang nhưng xe cộ nườm nượp với đủ loại phương tiện. Bun cho biết Phnom Penh cũng rất thường kẹt xe. Tên những con đường tôi nhìn thấy rất thú vị vì có cả tiếng Pháp như đường Yougoslavie (nghĩa là Nam Tư, tên của một nước hồi chưa tách ra).
Sức mạnh mềm Phnom Penh ảnh 1 Một góc chợ Vòm (Pnnom Penh). 
Các con đường đều được đánh số cho thấy Phnom Penh được người Pháp quy hoạch rất chặt chẽ. Chính cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng khen ngợi vẻ đẹp của Phnom Penh, và những năm 1960 đã cử cán bộ sang Phnom Penh để học hỏi và rút những bài học về quản lý đô thị để từ đó hình thành ý tưởng “Thành phố Công viên”.
Tôi đến khách sạn Courtyard by Marriott trước 1 ngày, nên có thời gian rảnh rỗi tản bộ loanh quanh đường Preah Trasak Paem. Cái nắng Phnom Penh không khác gì Sài Gòn. Chừng 15 phút dạo bộ, trước mặt tôi là chợ Vòm, theo tiếng Khmer là Phsar Thmey có nghĩa là chợ mới, một trong những địa danh chính tại thủ đô Phnom Penh.
Cũng giống chợ Bến Thành ở quận 1 hay chợ Xóm Chiếu ở quận 4, TPHCM, chợ Vòm là nơi hội tụ nhiều hàng hóa, ẩm thực và những nét văn hóa địa phương. Tôi dừng trước một hàng ăn có dòng chữ “Bún riêu cua” và buộc miệng hỏi cô chủ bằng tiếng Việt: “Bao nhiêu tiền một tô hả em gái?”. “5 ngàn” - cô trả lời. Tôi nói chưa có tiền riel có thể trả bằng USD hay tiền Việt được không. Cô bảo tiền Việt là 50.000 đồng còn trả 2USD sẽ thối lại 2.000 riel. 
2. Bên cạnh tôi có thêm 2 nữ du khách Trung Quốc đến từ thành phố Vũ Hán. Đối diện tôi là một du khách người Pháp cùng đi với cô bạn gái người Thái biết nói tiếng Việt, và phía bên trái tôi là 2 vợ chồng người Hoa đã từng sống ở Phnom Penh nay sang định cư ở Mỹ. Cái bàn ăn 7 người với quốc tịch và sắc tộc khác nhau, nhưng lại rất vui vẻ hòa đồng và cùng chia sẻ những trải nghiệm thích thú về ẩm thực Việt. Món bún riêu tôi ăn có lẽ do người Cam nấu nên không xuất sắc lắm, nhưng vẫn có giá trị cảm xúc đặc biệt.
“Du lịch giúp diệt trừ định kiến, tư duy cố chấp và hẹp hòi, và nhiều người trong chúng ta cần nó vô cùng trên phương diện này. Con người không thể có được những góc nhìn rộng rãi, toàn diện và nhân văn về sự vật hiện tượng, nếu như chỉ sống một cách vô vị trong một xó xỉnh nhỏ bé nào trên trái đất trong suốt đời mình”.
Đó là khẳng định của nhà văn nổi tiếng người Mỹ Mark Twain trong quyển sách The Innocent Abroad (Những kẻ ngây thơ ở nước ngoài) xuất bản năm 1869. Theo ông, cách tốt nhất để hình thành ý kiến của một cá nhân về một quốc gia hay người dân là đi du lịch đến đó.
Thật vậy, mặc dù đã đọc sách báo và tiếp cận nhiều thông tin kiến thức về Campuchia và Phnom Penh, nhưng phải đến khi có dịp mắt thấy tai nghe trực tiếp qua chuyến đi lần này, nhận thức và cảm nhận của tôi về đất nước chùa Tháp và người dân Khơ-me mới thật sự rõ rệt và gần gũi.

3. TPHCM chỉ cách Phnom Penh 230km, gần hơn cả Phnom Penh đến một thành phố lớn khác của Campuchia là Siem Reap (318km). Chưa có dịp ghé thăm các thành phố hay địa phương khác của Campuchia, nhưng với tôi Phnom Penh vẫn còn rất nhiều điểm du lịch và nhiều điều kỳ bí chưa khám phá hết.
Không khác TPHCM và Hà Nội, Phnom Penh cũng có 3 món đặc sản dành cho du khách là kẹt xe, khói bụi và ngập nước. Cơn mưa lớn kéo dài mấy tiếng vào buổi chiều cuối cùng khi hội thảo kết thúc đã giúp tôi hình dung ra những thách thức trong tương lai khi Phnom Penh muốn phát triển thành một thành phố du lịch và thu hút nhiều hơn du khách nước ngoài.
Trong năm ngoái, Campuchia đón 6 triệu du khách nước ngoài đến tham quan, trong đó đứng đầu đến từ Trung Quốc và Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng du lịch hàng năm khoảng 10%, mới đây Thủ tướng Hun Sen đã dự báo Campuchia sẽ đón 12 triệu du khách vào năm 2025, và chính phủ sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho đường sá, cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng thêm 3 sân bay mới ở tỉnh Kandal, Siem Reap và Koh Kong với tổng kinh phí 3 tỷ USD. 
Theo tôi, Phnom Penh vẫn luôn là điểm đến ưu tiên của du khách phương tây trong hành trình khám phá Đông Dương. Du khách đã đến Phnom Penh một lần, lại bị day dứt về những hoài niệm về quá khứ, trân trọng tận hưởng hiện tại và mong có dịp quay trở lại trong một ngày không xa. 
--------------
* Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Các tin khác