S&P hạ xếp hạng của Hong Kong

(ĐTTCO)-Ngày 22/9, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã hạ một bậc xếp hạng nợ công của Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong từ mức cao nhất AAA xuống AA-, một ngày sau khi hạ bậc xếp hạng của nền kinh tế Trung Quốc.
Đường phố Hong Kong. (Nguồn: financialtribune.com)
Đường phố Hong Kong. (Nguồn: financialtribune.com)
S&P nhấn mạnh Hong Kong có mối liên kết chặt chẽ về thể chế và chính trị với Trung Quốc, do đó hãng này nhận thấy việc Trung Quốc bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm sẽ tác động tiêu cực đến mức xếp hạng của Hong Kong, cho dù các chỉ số tín dụng của khu hành chính đặc biệt này vẫn rất cao.

Trước đó, S&P đã hạ một bậc xếp hạng nợ công của Trung Quốc từ AA- xuống A+ (vẫn là một trong những mức xếp hạng cao), giữa bối cảnh khối nợ của nước này gia tăng. Động thái trên của S&P đã gia tăng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của tình trạng nợ của Trung Quốc, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng và khả năng tăng trưởng kinh tế trì trệ.

Phản ứng với quyết định của S&P, cùng ngày 22/9, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố đây là "một quyết định sai lầm" khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục tăng trưởng vững chắc, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và chuyển đổi sang cấu trúc kinh tế dựa vào tiêu dùng.

S&P thông báo hạ mức xếp hạng nợ công của Trung Quốc sau khi thị trường tài chính Trung Quốc đóng cửa ngày 21/9.

Các chuyên gia nhận định động thái này có thể chỉ khiến chi phí vay mượn của Bắc Kinh tăng nhẹ, nhưng lại tác động mạnh đến lòng tin của giới đầu tư.
Tháng Tám vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng "núi nợ" của Trung Quốc đang trong tình trạng nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ đối với đà tăng trưởng kinh tế của nước này.

Theo IMF, Bắc Kinh cần đẩy nhanh các chương trình cải cách.

Mặc dù giữ nguyên dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, song báo cáo của IMF cảnh báo nợ của quốc gia này có thể tăng từ mức tương đương khoảng 235% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hồi năm ngoái lên hơn 290% trong năm 2022.

Trong một báo cáo mới đưa ra, IMF cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần hướng tới mô hình tăng trưởng bền vững.

Trước đó, hồi tháng Năm, Moody's hạ mức xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn của Trung Quốc từ Aa3 xuống A1, do nhận định tiềm lực tài chính của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ giảm sút trong những năm tới, khi nợ tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Về phần mình, Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ động thái trên của Moody's và cho rằng điều này được thực hiện dựa trên phương pháp không phù hợp, “phóng đại” những khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt và đánh giá thấp những nỗ lực cải cách của chính phủ.

Các tin khác