Singapore: Kiểm soát chặt lãi suất SIBOR

Tại Singapore, nguy cơ làm giá và thao túng lãi suất cho vay như đối với lãi suất liên ngân hàng LIBOR ở Anh là chuyện khó xảy ra. Đó là khẳng định của bà Ong-Ang Ai Boon, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Ngân hàng Singapore (ABS), trong buổi họp báo vào ngày 4-7-2012.

Tại Singapore, nguy cơ làm giá và thao túng lãi suất cho vay như đối với lãi suất liên ngân hàng LIBOR ở Anh là chuyện khó xảy ra. Đó là khẳng định của bà Ong-Ang Ai Boon, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Ngân hàng Singapore (ABS), trong buổi họp báo vào ngày 4-7-2012.

Lãi suất liên ngân hàng tại Singapore (SIBOR) phản ánh lãi suất cho vay giữa các định chế tài chính với nhau và được sử dụng như một tham chiếu (benchmark) phục vụ cho hoạt động tín dụng bất động sản. Hàng ngày, ABS ấn định SIBOR với sự hỗ trợ dịch vụ thông tin tài chính của hãng thông tấn Thomson Reuters trên cơ sở lãi suất cho vay của 15 ngân hàng tại Singapore, trong đó có 3 ngân hàng của Singapore là DBS, UOB và OCBC cũng như nhiều ngân hàng nước ngoài như Citibank (xem bảng).

Tất cả các ngân hàng này đều có chỉ số tín nhiệm tín dụng thấp nhất là “A” từ ít nhất một công ty xếp hạng tín nhiệm. Cơ chế vận hành của SIBOR cũng tương tự LIBOR do Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA) ấn định.

Bà Ong-Ang Ai Boon (giữa), Giám đốc Điều hành ABS.
Bà Ong-Ang Ai Boon (giữa), Giám đốc Điều hành ABS.

Mới đây, người ta đã phát hiện trong giai đoạn khủng hoảng tài chính từ 2005-2009, các chuyên gia buôn tiền của Barclays (Anh) và nhiều ngân hàng khác đã bóp méo thông tin, lừa dối lãi suất liên quan tới các khoản vay, làm sai lệch số liệu công bố LIBOR.

Theo bà Ong-Ang, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) theo dõi SIBOR rất chặt chẽ khi diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Danh sách 15 ngân hàng tại Singapore cung cấp dữ liệu để hình thành lãi suất SIBOR: Bank of America; Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ; BNP Paribas; CA-CIB; Citibank; Credit Suisse; DBS; Deutsche Bank; HSBC; ING; JP Morgan Chase; OCBC; RBS; Standard Chartered; UOB.

Ngoài ra, xét đến thị trường cho vay bất động sản nhỏ bé trong nước, SIBOR cũng không đủ sức thu hút khiến các ngân hàng tại Singapore thao túng.

Bà Ong-Ang nói thêm: “Khác với LIBOR, SIBOR chỉ mang tính chất nội địa và không phải là lãi suất tham chiếu quốc tế”. Thí dụ, LIBOR sử dụng để xác định mức giá cho hàng nghìn tỷ USD các sản phẩm tài chính phái sinh (derivatives) hay các công cụ tài chính khác.

Gần đây, ngân hàng Barclays Bank đã bị phạt 290 triệu bảng do thao túng LIBOR khiến Tổng giám đốc Bob Diamond phải từ chức. Một số ngân hàng khác tại London cũng dính líu đến vụ xì-căng-đan này. Qua báo giới, bà Ong-Ang tiết lộ rằng đã từ lâu ABS biết được chuyện làm giá lãi suất giữa các ngân hàng.

Từ tháng 10 năm ngoái, ABS đã siết chặt các quy định về thông tin báo cáo và nếu có ngân hàng nào hơi bị “chệch hướng” sẽ bị cờ đỏ và nhắc nhở. Bà chia sẻ: “Với các hệ thống kiểm soát luôn sẵn sàng, nếu có những thay đổi mờ ám về lãi suất, ABS biết cần liên hệ với ai. Chúng tôi không đợi có chuyện xảy ra mới tìm cách chữa cháy”.

Đầu năm nay, ABS đã yêu cầu Thomson Reuters phân tích các xu hướng nộp báo cáo của các ngân hàng để phát hiện những ngân hàng nào cố tình vi phạm. Và cơ chế “thổi còi” như thế cũng được tiến hành rất nhanh chóng trong cộng đồng tài chính - ngân hàng Singapore.

Nhân dịp này, bà Ong-Ang cũng trấn an dư luận rằng vụ bê bối LIBOR thật ra không có mấy ảnh hưởng đối với SIBOR. Bà khẳng định không có vấn đề gì “không ổn” trong hệ thống tài chính ngân hàng Singapore hiện nay. Lẽ đương nhiên, sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, Singapore phải tăng cường kiểm soát càng ngày càng chặt chẽ hơn.

Singapore, tháng 7-2012

Các tin khác