S&P dọa hạ bậc 15 nước Eurozone

(ĐTTC) - Một trong 3 “ông lớn” đánh giá tín dụng toàn cầu, Standard & Poor’s nói Đức và Pháp có thể bị mất xếp hạng tuyệt đối AAA, trong bối cảnh 15 nước thuộc khu vực đồng EUR (Eurozone) bị hãng này đưa vào danh sách theo dõi hạ bậc.

Tất cả 6 nước có hạng tín dụng 3A của châu Âu đều nằm trong danh sách xem xét hạ bậc của S&P. Việc hạ bậc các nước này sẽ phụ thuộc vào cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu vào ngày 9-12 tới, S&P nói trong một thông cáo.

Cảnh báo hạ bậc được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thúc đẩy viết lại Hiệp ước châu Âu để buộc các nước thành viên phải hợp tác chặt chẽ hơn về mặt kinh tế, hòng chống lại cuộc khủng hoảng nợ. Với số phận của đồng tiền chung đang nguy ngập, bà Merkel và ông Sarkozy đưa ra một nền tảng chung cho cuộc họp thượng đỉnh ngày 8 và 9-12 của giới lãnh đạo châu Âu tại Brussels.

“Động thái của S&P là thêm một dấu hiệu cho thấy các nước Eurozone phải có hành động quyết đoán để đối phó với cuộc khủng hoảng, nếu không vấn đề sẽ lây lan nhanh chóng từ Hy Lạp sang các nước khác và nhấn chìm cả Eurozone vào những nan giải tài chính”, theo Phillip Swagel, Giáo sư kinh tế học tại trường Chính sách Công cộng của ĐH Maryland, người từng là Thứ trưởng Bộ Tài chính đặc trách vấn đề kinh tế thời Tổng thống Bush. “Đây là thời điểm Đức và Pháp phải hành động để cứu Hy Lạp và các nước thành viên, cũng như cứu chính họ”.

S&P cho biết các nước Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Phần Lan và Luxembourg có khả năng bị mất 1 bậc tín nhiệm, các nước còn lại có thể bị hạ 2 bậc.

Các nước thuộc diện có thể bị hạ 2 bậc tín nhiệm bao gồm Pháp, Estonia, Ireland, Italia, Malta, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Slovakia và Slovenia. S&P nói họ vẫn duy trì triển vọng tiêu cực đối với Cyprus, và Hy Lạp không bị đưa vào việc theo dõi tín nhiệm.

Trong một thông cáo chung, chính phủ Đức và Pháp nói họ “công nhận” động thái của S&P và cam kết sẽ cố hết sức để thúc đẩy hợp tác cắt giảm ngân sách, cải tổ chính sách kinh tế để thúc đẩy ổn định, cạnh tranh và tăng trưởng.

Việc bậc tín nhiệm Pháp và Đức có thể ảnh hưởng tới hạng tín nhiệm của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), quỹ ứng cứu chung của khu vực đồng EUR.

Các tin khác