Rủi ro ATM

Máy rút tiền tự động (ATM) ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, sự tiện ích của nó đi kèm với những rủi ro gian lận, tội phạm….

Máy rút tiền tự động (ATM) ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, sự tiện ích của nó đi kèm với những rủi ro gian lận, tội phạm….

Máy giả

Trường hợp máy ATM giả được phát hiện đầu tiên vào năm 1993 tại một trung tâm mua sắm ở Manchester, bang Connecticut, Hoa Kỳ. Bằng cách thay đổi cơ cấu hoạt động bên trong chiếc máy Fujitsu 7020 ATM, băng tội phạm được gọi là Bucklands Boys đã có thể ăn cắp thông tin của những chiếc thẻ mà khách hàng đưa vào máy và rút trộm 107.420USD. 10 năm sau, một trong những vụ máy ATM giả lớn nhất đã xảy ra ở Canada.

Những kẻ bất lương đã lắp đặt 5 chiếc ATM giả ở các cửa hàng tiện ích vùng hạ British Columbia để đánh cắp thông tin và “thổi” mất 1,26 triệu USD của các chủ thẻ.

Năm 2006, tại Virginia, một hacker đã can thiệp vào hệ thống của chiếc máy ATM đặt tại trạm xăng, khiến máy “hiểu” nó chứa toàn tờ 5USD trong khi thực ra nó chứa đầy tờ 20USD, từ đó nó nhả ra cho hacker số tiền có giá trị thực cao gấp 4 lần số tiền đặt lệnh rút.

Thẻ giả

Từ cuối những năm 90, ý tưởng và những chiêu thức sao chép nội dung dải từ của thẻ ATM vào một thẻ nhân bản để truy cập thông tin tài chính của người khác đã lan nhanh trong giới tội phạm.

Năm 1996, Andrew Stone, chuyên gia tư vấn bảo mật máy tính xuất thân từ Hampshire, Anh, đã bị kết tội ăn cắp hơn 1 triệu bảng bằng cách dùng máy quay ghi lại số thẻ, ngày hết hạn… cùng với mã PIN được nhập vào.

Sau khi có được mọi thông tin, Stone sản xuất ra các thẻ nhân bản và có thể rút tới 10.000 bảng mỗi giờ. Tháng 2-2009, người ta ghi nhận một nhóm tội phạm đã dùng thẻ ATM giả để đánh cắp 9 triệu USD từ 130 máy ATM ở 49 thành phố rải rác khắp thế giới trong vòng 30 phút.

Tháng 1-2012, xảy ra vụ gian lận ATM lớn ở Singapore với hơn 500.000USD bị đánh cắp khỏi tài khoản của 400 khách hàng DBS Bank. Tờ Straits Times còn cho biết kẻ gian đã sử dụng thông tin ăn cắp từ các máy ATM ở Singapore để làm thẻ nhân bản và rút trộm tiền ở Malaysia.

Phòng chống

Trong một nỗ lực phòng ngừa tội phạm thẻ ATM, một số ngân hàng có sáng kiến kẻ vạch trên sàn để tách biệt khu vực riêng tư dành cho khách hàng đang thao tác trên máy ATM với những người đứng chờ sử dụng máy. Các chuyên gia an ninh hệ thống cũng đưa ra lời khuyên khách hàng nên cẩn thận quan sát máy ATM để phát hiện những dấu hiệu bất thường.

ATM tiện dụng nhưng chứa đựng nhiều rủi ro.

ATM tiện dụng nhưng chứa đựng nhiều rủi ro.

Chẳng hạn, khi bạn đút thẻ vào máy, đã bấm số PIN nhưng không thể giao dịch, có thể bạn đã trở thành nạn nhân của trò Lebanese loop. Giả thiết này sẽ được củng cố nếu bỗng dưng có người xuất hiện đề nghị bạn thử bấm lại số PIN một vài lần nữa, sau đó họ sẽ khuyên bạn đi báo với ngân hàng rằng thẻ đã bị nuốt.

Nhưng thực ra, thẻ không bị nuốt, nó chỉ bị giữ lại trong khe đút thẻ bằng thiết bị gọi là vòng Leban. Chỉ cần bạn quay lưng đi, kẻ gian sẽ nhanh chóng rút thẻ của bạn ra, dùng số PIN mà bạn đã vô ý cung cấp cho chúng để rút tiền của bạn.

Từ việc điều tra, nghiên cứu các vụ gian lận ATM, các chuyên gia đưa ra một số lời khuyên giúp bạn có thể tự bảo vệ mình, trong đó có 8 lời khuyên quan trọng:

1. Tạo thói quen chỉ sử dụng 1 máy ATM để có thể nhận ra nếu máy có gì đó khác lạ.

2. Ưu tiên sử dụng máy ATM trong khu vực ngân hàng hơn là trên phố.

3. Nếu phải dùng 1 máy ATM lạ, hãy dành thời gian quan sát thật kỹ để có thể phát hiện những thiết bị khả nghi gắn kèm vào khe đút thẻ, khe nhả tiền hoặc camera khác ngoài camera an ninh của ATM.

4. Đừng bao giờ nhờ người lạ giúp đỡ khi bị kẹt thẻ.

5. Không dùng máy ATM khi có người lảng vảng dòm ngó.

6. Nếu thẻ bị kẹt, hãy báo ngay cho ngân hàng và đừng rời khỏi máy.

7. Không dùng máy ATM có đăng lời cảnh báo gian lận.

8. Không tùy tiện mở link trong các email vì rất có thể đó là email giả mạo nhằm cài bẫy. Hãy đóng email và tự gõ địa chỉ website của ngân hàng hoặc liên hệ trực tiếp để biết tin tức.

Các tin khác