QE3 làm lợi cho ai?

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tung ra gói nới lỏng định lượng mới (QE3) quy mô 40 tỷ USD/tháng để mua trái phiếu nhằm giảm lãi suất trong dài hạn, cải thiện thị trường lao động, thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng gói kích thích do các ngân hàng trung ương lớn lần lượt tung ra không phải là chiếc đũa thần, ngược lại có thể là con dao 2 lưỡi.

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tung ra gói nới lỏng định lượng mới (QE3) quy mô 40 tỷ USD/tháng để mua trái phiếu nhằm giảm lãi suất trong dài hạn, cải thiện thị trường lao động, thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng gói kích thích do các ngân hàng trung ương lớn lần lượt tung ra không phải là chiếc đũa thần, ngược lại có thể là con dao 2 lưỡi.

Cách đây 1 tháng, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã đưa ra 1 báo cáo cho biết các chính sách nới lỏng định lượng của Anh - tương tự của FED - đã làm lợi chủ yếu cho những người giàu có. Cụ thể, chương trình nới lỏng định lượng đã giúp tăng 26% giá trị cổ phiếu và trái phiếu, tức khoảng 970 tỷ USD, trong đó 40% số này chui vào túi 5% hộ gia đình giàu nhất nước Anh.

Tuy BOE khẳng định nếu không có chương trình mua tài sản này, phần lớn người dân Anh sẽ phải đối mặt tình trạng còn bi đát hơn, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính sách nới lỏng của BOE đã làm tăng thêm sự bất ổn giữa các tầng lớp xã hội.

QE3 là con dao 2 lưỡi?

QE3 là con dao 2 lưỡi?

Vì thế, khi FED công bố QE3 càng làm gia tăng tranh cãi về việc chính sách của FED chủ yếu giúp đỡ những người giàu nhất Hoa Kỳ như thế nào. Chuyên gia Anthony Randazzo của Quỹ Reason cho biết: “QE về cơ bản là một chương trình thúc đẩy tài sản của những người đã tham gia vào lĩnh vực tài chính hoặc những người đã có nhà riêng, nhưng lại ít giúp cho phần còn lại của nền kinh tế.

Đây là một tác nhân chính của sự bất bình đẳng về thu nhập”. Nhà tài phiệt Donald Trump cũng thừa nhận: “Những người như tôi sẽ được hưởng lợi”.

Lý do rất đơn giản. QE làm tăng giá tài sản, đặc biệt các tài sản tài chính, mà hầu hết nằm trong tay 5% người Hoa Kỳ giàu có nhất. Theo dữ liệu của FED, tuy chỉ chiếm 5% dân số nhưng họ sở hữu tới 60% các tài sản tài chính, 82% các cổ phiếu và hơn 90% trái phiếu.

Bằng cách giúp bơm tiền cho thị trường chứng khoán trong năm 2009 và 2010, FED đã tạo ra một sự hồi phục ở 2 tốc độ khác nhau: Những người giàu có nhanh chóng hồi phục phần lớn tài sản của họ khi cổ phiếu tăng giá trị gấp đôi. Trong lúc đó, phần còn lại của đất nước (vốn phụ thuộc vào nhà ở và việc làm) vẫn còn bị mắc kẹt trong suy thoái kinh tế.

Nói cách khác, phần lớn tài sản của dân Hoa Kỳ gắn liền với căn nhà của họ, nhưng đối với top 5%, nhà ở chỉ chiếm 10% tài sản, trong khi tài sản tài chính chiếm 30-40%. Bằng cách tăng giá trị của tài sản tài chính, FED đã giúp nền kinh tế của người giàu chứ không phải giúp cả Hoa Kỳ.

FED nhận thức được những lời chỉ trích nên vòng nới lỏng định lượng mới đã tập trung các khoản thế chấp. Nhưng ở đây một lần nữa xảy ra sự phân chia giữa tầng lớp nhà giàu và phần còn lại. Dù tỷ lệ lãi suất thấp hơn nhưng các ngân hàng vẫn siết chặt tiêu chuẩn cho vay, khiến khả năng tiếp cận tín dụng đối với hầu hết người Hoa Kỳ bị hạn chế.

Trong khi đó, giới siêu giàu nay được hưởng mức lãi suất thấp hơn khi vay tín dụng, thí dụ tỷ phú Mark Zuckerberg (CEO Facebook) có thể vay thế chấp lãi suất 1,05% nhưng hầu hết dân Hoa Kỳ lại không thể. Theo Spectrem Group, những người giàu có chỉ giữ khoảng 13% các tài sản có thể đầu tư của họ dưới dạng tiền mặt, trong khi hơn 85% còn lại họ phân bổ vào cổ phiếu, trái phiếu, các khoản đầu tư thay thế và các quỹ tương hỗ - tất cả các loại này đều được hưởng lợi từ QE.

Những lợi ích cho nền kinh tế rộng lớn hơn liệu có thể thật sự bù đắp cho những mặt tiêu cực của chính sách QE, liệu việc đặt lợi nhuận nhiều hơn vào tay 5% thực sự sẽ tạo ra công ăn việc làm cho phần còn lại của Hoa Kỳ?

Đó là chưa kể những mối lo ngại QE sẽ xuất khẩu lạm phát sang các nước khác. Lần lượt các ngân hàng trung ương lớn tung ra các chính sách nới lỏng, bơm tiền cũng dẫn tới nguy cơ kích nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu.

Các tin khác