Qatar-OPEC: Đường chia đôi ngả

(ĐTTCO) - Trong 2 ngày 6 và 7-12 tới, tại Vienne (Áo) sẽ diễn ra cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tại cuộc họp quan trọng này, OPEC sẽ phải xác định chiến lược của mình trong 6 tháng tới.
 Trước đó, hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho rằng OPEC đang có vấn đề và cần phải xem xét những lý do khiến Qatar rút khỏi tổ chức này. 
Gia nhập OPEC từ năm 1961, Qatar với diện tích khoảng 12.000km2 và chỉ có 2,7 triệu dân, là một trong số những nước sản xuất dầu mỏ nhỏ nhất trong khối này (600.000 thùng/ngày trong tổng số 32,5 triệu thùng của cả khối vào năm ngoái). Tuy nhiên, Qatar lại là thành viên ảnh hưởng nhất trong thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), các nhà máy lớn của nước này sản xuất tổng cộng 77 triệu tấn LNG/năm - lớn nhất thế giới.
Nắm giữ mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, mỏ North Field hợp tác với Iran, Qatar có kế hoạch mở rộng công suất LNG lên 100 triệu tấn vào năm 2024 và sẽ thực hiện trước khi thị trường khí đốt trở nên quá hạn hẹp trong đầu thập niên tới. Hôm 3-12, phát biểu sau khi đưa ra tuyên bố rút khỏi OPEC vào tháng tới, tân Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi  cho biết quốc gia vùng Vịnh này vẫn tiếp tục sản xuất dầu mỏ, nhưng sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất khí đốt, lĩnh vực nước này đang là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tại cuộc họp báo ở Doha, ông Kaabi khẳng định: “Chúng tôi không có tiềm năng lớn về dầu mỏ nhưng chúng tôi có tiềm năng về khí đốt”.
Qatar-OPEC: Đường chia đôi ngả ảnh 1 Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã giảm mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua.  
Trong khi đó, Iran cho rằng việc Qatar quyết định rời khỏi OPEC cho thấy sự thất vọng của các nhà sản xuất nhỏ đối với vai trò chi phối của Saudi Arabia và Nga trong việc quyết định cắt giảm sản lượng nhằm giúp kiểm soát giá dầu. Đề cập đến tuyên bố của Qatar, đại diện của Iran tại OPEC, Hossein Kazempour Ardebili nhận định quyết định của Qatar phản ánh sự giận dữ đang gia tăng của các nhà sản xuất dầu trước cách tiếp cận đơn phương của Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC (JMMC), vốn do Saudi Arabia và Nga dẫn dắt trong việc ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu. Theo ông Ardebili, nhiều thành viên OPEC khác đã bày tỏ thất vọng việc JMMC quyết định về sản lượng dầu một cách đơn phương và không có được sự đồng thuận trước của OPEC.
Quyết định của Qatar là một đòn giáng vào Saudi Arabia, nước được coi là lãnh đạo của OPEC và đang cố gắng cho thấy sự đoàn kết trong việc giải quyết sự trượt giá dầu mỏ. Quyết định của Qatar được đưa ra trong bối cảnh giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong những ngày qua đã giảm có lúc xuống dưới 50USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua. Trước thềm cuộc họp của OPEC ngày 6-12, giá dầu Brent biển Bắc đã tăng nhẹ.  
Ông Albert Helmig, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Grey House, chuyên về cấu trúc thị trường, quản lý rủi ro và mô hình giá, nhận định: “Sự bất ổn cao và giá giảm mạnh trong 60 ngày qua sẽ tác động lâu dài lên giao dịch dầu mỏ vào quý I-2019”. Còn theo chuyên gia Ann-Louise Hittle, thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng toàn cầu Wood Mackenzie có trụ sở tại Edinburgh, Scotland, đây là thời điểm OPEC cần tìm ra một thỏa thuận trước sự hoài nghi của thị trường về khả năng kiểm soát sản lượng của tổ chức này. Những quốc gia nhỏ hơn thuộc OPEC đã đóng vai trò tương đối bị động trong việc đưa ra quyết sách của tổ chức và “có thể Qatar cũng nhận thấy nước này không thu được gì nhiều từ vai trò thành viên”. 
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quyết định của Doha sẽ không gây tác động đáng kể đối với giá dầu. Có điều, việc Qatar rời khỏi OPEC làm gia tăng quan ngại Saudi Arabia, Nga và Hoa Kỳ, 3 nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, sẽ giành thêm quyền kiểm soát trong việc đưa ra quyết sách dầu mỏ toàn cầu, khi địa chính trị đã trở thành một trong những lực đẩy chính phía sau giá dầu.

Các tin khác