Pháp-Italia căng thẳng vì nhà máy đóng tàu

(ĐTTCO) - Chính phủ Pháp cuối tuần qua đã thông báo quyết định quốc hữu hóa “tạm thời” STX France (STX), một nhà máy đóng tàu chiến lược của Pháp, sau khi thất bại trong việc đàm phán với tập đoàn Italia Fincantieri về vấn đề quyền sở hữu. 
Pháp-Italia căng thẳng vì nhà máy đóng tàu
Quyết định hy hữu của Paris đã khiến Rome nổi giận.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết quyết định trên nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược của nước Pháp. Paris không có ý định kiểm soát xưởng đóng tàu này, do đó, quyết định trên chỉ mang tính tạm thời và Pháp cần thêm thời gian để đàm phán. Trước đó, Pháp và Italia mâu thuẫn với nhau về phân chia vốn của STX.
Thời Tổng thống Francois Hollande, 2 bên đã đồng ý kế hoạch phía Pháp chỉ nắm 45% số vốn của STX. Tuy nhiên, chính quyền mới của Tổng thống Emmanuel Macron khi nhậm chức đã đề nghị nâng tỷ lệ này lên thành 50% nhưng Rome từ chối. Bộ trưởng Le Maire cho rằng tỷ lệ trên là hợp lý nhằm giúp bảo vệ những lợi ích chiến lược của Pháp và sẽ tiếp tục đàm phán theo hướng này trong thời gian tới. Dự kiến, ông Le Maire đến Italia vào tuần sau.

Quyết định trên của Paris khiến Rome bất bình. Trong một tuyên bố chung, 2 bộ Phát triển Kinh tế và Tài chính của Italia cho rằng hành động không tôn trọng thỏa thuận của Paris là nghiêm trọng và không thể giải thích được. Báo chí Italia đã đả kích tính chất mà họ gọi là dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Pháp. Hồi tháng 5-2017, tập đoàn đóng tàu nhà nước của Italia Fincantieri đã đề nghị mua 2/3 cổ phần của STX với giá 79,5 triệu EUR sau khi xưởng đóng tàu này được rao bán do công ty mẹ ở Hàn Quốc bị phá sản.

Trong khi đó, báo chí Pháp, các đảng chính trị tả-hữu, tất cả đều ủng hộ quyết định của chính phủ Pháp. Vì sao một quyết định đi ngược trào lưu tự do hóa kinh tế và gây tức giận cho đồng minh lại được Tổng thống Macron bật đèn xanh và được công luận Pháp ủng hộ?
Tờ Les Echos cho hay, lý do chính để bảo vệ công ăn việc làm, bảo mật công nghệ hàng hải, Chính phủ Pháp không thể ngây thơ trong thế giới cạnh tranh khốc liệt này. Bên cạnh đó, yếu tố Trung Quốc cũng là nguồn cội thúc đẩy Paris phải quốc hữu hóa và “nuốt lời hứa” để cho Italia sở hữu 2/3 số cổ phần. Bởi vừa qua Fincantieri ký thỏa thuận hợp tác với một công ty đóng tàu của Trung Quốc và Paris không muốn những kỹ nghệ của Pháp bị chuyển về Thượng Hải.

Tờ Le Figaro cũng đồng quan điểm khi cho rằng Fincantieri có thể là con ngựa thành Troy của giới doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc. Họ luôn tìm cách thu thập công nghệ đóng tàu biển của thế giới đem về làm của riêng. Các công xưởng đóng tàu của Pháp không chỉ sản xuất du thuyền xuất khẩu mà như Tập đoàn STX France ở Saint-Nazaire có khả năng đóng hàng không mẫu hạm, chiến hạm đa năng, những "bảo vật" của hải quân.

Các tin khác