Pháp: Tác động tiêu cực từ Áo vàng

(ĐTTCO) - Lần đầu tiên trong 2,5 năm qua, sản lượng của khối kinh tế tư nhân tại Pháp đã sụt giảm do chịu tác động trực tiếp từ phong trào biểu tình Áo vàng trên cả nước. 
Kết quả thăm thăm dò dư luận về hoạt động kinh doanh của lĩnh vực tư nhân tại Pháp trong tháng 12 cho thấy Chỉ số Sản lượng Pháp đã sụt giảm từ 54,2 xuống 49,3, đồng nghĩa với sự suy giảm của hoạt động kinh doanh. 
Bình luận về kết quả khảo sát công bố ngày 14-12, ông Eliot Kerr, chuyên gia kinh tế tại IHS Markit, cho biết: “Trước khi có kết quả trên, các dữ liệu thăm dò đã cho thấy nền kinh tế Pháp có thể đạt kỷ lục tăng trưởng hàng quý trong quý IV-2018”. Nếu các số liệu thăm dò trên được khẳng định trong các dữ liệu kinh tế chính thức, thực tế này sẽ thêm vào danh sách dài các vấn đề khúc mắc mà Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt kể từ khi xảy ra cuộc biểu tình Áo vàng.
Sau bài phát biểu của Tổng thống Macron tối 10-12 thu hút gần 23 triệu người xem truyền hình, 46% người được hỏi muốn chấm dứt sự chống đối của phong trào Áo vàng. Phần lớn thành viên các đảng chính trị không muốn phong trào này tiếp tục lây lan và tạo nên những bất ổn xã hội.
Pháp: Tác động tiêu cực từ Áo vàng ảnh 1 Người tham gia biểu tình tại Marseille. Ảnh: Reuters 
Các cuộc biểu tình Áo vàng bắt đầu từ ngày 17-11 nhằm phản đối kế hoạch tăng giá nhiên liệu, song đã bùng phát thành một làn sóng phản đối lịch trình kinh tế của Tổng thống Macron. Đến nay, ít nhất 6 người đã thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương trong các cuộc đụng độ. Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt biện pháp, bao gồm tăng lương tối thiểu (SMIC), không đánh thuế tiền làm thêm giờ và các khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động, giảm thuế cho người về hưu có thu nhập ít hơn 2.000EUR/tháng...
Gói biện pháp này sẽ được chi trả bằng tiền chính phủ đi vay, đặt ra nguy cơ đẩy mức thâm hụt ngân sách của Pháp vượt quá giới hạn cho phép là 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của Liên minh châu Âu (EU). Trước khi làn sóng biểu tình Áo vàng bùng phát, Paris đã đề ra mức thâm hụt ngân sách năm 2019 ở mức 2,8% GDP. Ngân hàng Trung ương Pháp cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này, đồng thời cho biết tăng trưởng của Pháp trong quý IV-2018 sẽ gần như chững lại. 
Không chỉ có thế, nỗi lo về cuộc chiến thương mại toàn cầu và tình trạng trì trệ do các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại Pháp đã khiến tăng trưởng kinh doanh trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Theo kết quả khảo sát với các doanh nghiệp trong Eurozone của IHS Markit, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực Eurozone đã giảm từ 52,7 điểm trong tháng 11 xuống 51,3 điểm trong tháng 12. Tuy nhiên, IHS Markit cho biết các dòng vốn kinh doanh mới đã gần như đình trệ, trong khi tăng trưởng việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm và sự lạc quan của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.
Kết quả cuộc khảo sát do Odoxa thực hiện và công bố trên báo Le Figaro và kênh truyền hình Franceinfo cho biết các biện pháp do Tổng thống Macron đưa ra nhìn chung được đánh giá là thỏa đáng. Sự ủng hộ dành cho phong trào Áo vàng tuy vẫn ở mức cao song đã giảm mạnh so với trước. Hơn 54% người được hỏi cho rằng Tổng thống đã “hiểu được sự nghiêm trọng của tình hình”. Hiện phong trào Áo vàng đã lan nhanh sang các nước châu Âu như Bỉ, Hà Lan… và cả Trung Đông và châu Phi.

Các tin khác