Pháp sống chung với khủng bố

(ĐTTCO) - Bến tàu điện ngầm Trocadero vẫn tấp nập khách du lịch lên xuống, chỉ một ngày sau vụ tấn công khủng bố trước cửa Nhà thờ Đức bà Paris hôm 6-6 vừa qua. 
Dòng người vẫn ngược xuôi chiêm ngưỡng tháp Eiffel gần 130 tuổi.
Tiếng leng keng từ những chiếc móc chìa khóa của người bán dạo rung lên để thu hút sự chú ý của du khách, tiếng chào mời mua nước lạnh giá 1EUR... vẫn diễn ra như thường ngày. Khu quảng trường Champs-de-Mars, với những thảm cỏ dài phía sau tháp Eiffel, vẫn đông khách tham quan ngồi nghỉ.
Sau vụ tấn công trước cửa Nhà thờ Đức bà Paris, nhiều du khách tham quan tháp Eiffel còn cho biết họ có cảm giác an toàn hơn vì lực lượng an ninh được tăng cường tại các địa điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô. Các vụ khủng bố xảy ra tại Paris và Nice trong năm 2016 đã khiến số lượng khách du lịch nước ngoài đến Pháp giảm nhẹ so với năm 2015. Tuy nhiên, với 83 triệu du khách nước ngoài vào năm 2016, Pháp vẫn là điểm du lịch hàng đầu thế giới. 
Pháp sống chung với khủng bố ảnh 1 Khu quảng trường Champs-de-Mars vẫn đông khách tham quan. 
Với mục tiêu đạt đến 100 triệu khách nước ngoài vào năm 2020, không chỉ các ngành nghề liên quan phải cố gắng mà người dân Pháp cũng thể hiện tinh thần không sợ hãi. Valentine và Cloe, 2 sinh viên của Đại học Paris 3, cho hay các vụ khủng bố có để lại hậu quả. Đây cũng là những gì mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng muốn. Tại Paris, khách du lịch đóng vai trò rất quan trọng về mặt kinh tế. Thành phố đón rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là ở Champs-de-Mars.
“Với tư cách là người Paris, chúng tôi cũng muốn chứng tỏ không sợ ra ngoài vui chơi” - Valentine và Cloe chia sẻ. Ngoài ra, còn có rất nhiều biện pháp an ninh được áp dụng và luôn có mặt tại hiện trường. Rất nhiều cảnh sát và quân đội thường xuyên tuần tra. Do đó, theo 2 sinh viên trên, mặc dù vẫn có các vụ khủng bố, dù vẫn lo sợ, nhưng không nên giam mình trong nhà. 

Dù nguy cơ khủng bố vẫn được đặt ở mức độ cao, 2 năm nay nước Pháp vẫn trong tình trạng khẩn cấp, dường như Paris vẫn giữ nhịp sống bình thường. Những địa điểm du lịch tại Pháp, đặc biệt là tại Paris, là nơi được ưu tiên bảo vệ. Ngoài hệ thống camera, lực lượng cảnh sát, quân đội và nhân viên giữ gìn an ninh được huy động tối đa và có mặt thường trực tại đây. Tuy nhiên, đảm bảo an ninh cho toàn bộ các công trình quan trọng hay điểm du lịch là nhiệm vụ bất khả thi, nguy cơ rủi ro bằng không không tồn tại.

Nhiều người dân ban đầu hơi sốc khi thấy quân đội tuần tra ở Paris, thành phố nổi tiếng thế giới. Nhưng sau đó, ai cũng thấy đó là điều cần thiết, trấn an được người dân phần nào. Nhưng dù sao, người dân Pháp hy vọng là tình trạng này không kéo dài quá, vì nó phá vỡ không khí của thành phố và mất đi một chút cảm giác vô tư. Sự hiện diện của những người lính tuần tra luôn gợi cho người dân Pháp về đất nước vẫn trong tình trạng khẩn cấp và không bao giờ được an toàn tuyệt đối.

Được áp dụng sau loạt khủng bố tại Paris ngày 13-11-2015, tình trạng khẩn cấp có hiệu lực đến cuối tháng 7-2017, và có thể được Chính phủ Pháp kéo dài đến tháng 11 năm nay. Harry và Julia, 2 du khách đến từ Anh, quốc gia cũng đang phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố, cho biết mối đe dọa từ những phần tử Hồi giáo cực đoan hiện diện trong cuộc sống hàng ngày nhưng không vì thế mà họ sợ hãi, phải sống khép mình. Họ yêu cuộc sống dịch chuyển và khẳng định dù Pháp vẫn  còn đang trong tình trạng bị đe dọa họ vẫn sẽ đến du lịch nếu muốn.
(Tổng hợp)

Các tin khác