Olympus kỳ án

Olympus, công ty nổi tiếng với các sản phẩm thiết bị hình ảnh cao cấp, đang gây ra một xì căng đan, chấn động đất nước Nhật Bản.

Olympus, công ty nổi tiếng với các sản phẩm thiết bị hình ảnh cao cấp, đang gây ra một xì căng đan, chấn động đất nước Nhật Bản.

Hôm 8-11, sau gần 1 tháng chao đảo, cổ phiếu mất hơn một nửa giá trị, Công ty Olympus lần đầu tiên thú nhận hơn 1 tỷ USD trong các thương vụ M&A thực ra đã được dùng để che đậy cho các khoản đầu tư thua lỗ từ những năm 1990.

Theo một số nguồn tin, từ năm 2006-2009, Olympus thực hiện 4 cuộc thôn tính mà 3 cuộc không có liên quan gì tới ngành kinh doanh chính của Olympus.

Theo đó, Olympus đã chi gần 1 tỷ USD để mua 3 công ty đăng ký tại thiên đường thuế Cayman Islands. Cả 3 công ty này đều có tài sản ít ỏi, chẳng kiếm ra tiền và đã giải thể không lâu sau khi các thỏa thuận được hoàn tất.

Micheal Woodford (phải) - người lôi kỳ án Olympus ra ánh sáng.

Micheal Woodford (phải) - người lôi kỳ án Olympus ra ánh sáng.

Phó Chủ tịch Olympus Hisashi Mori thừa nhận “chẳng biết gì ngoài tên và số tài khoản của các công ty ở Caymans”. Trong thương vụ thứ 4, sau khi mua Công ty thiết bị y khoa Gyrus của Anh với giá 2,2 tỷ USD vào năm 2008, Olympus chuyển 687 triệu USD gọi là trả phí giao dịch cho 2 nhân viên ngân hàng đầu tư cũng gởi vào một tài khoản mở tại Caymans và tài khoản này đã bốc hơi.

Dĩ nhiên các nhân viên thực hiện M&A có thể được hưởng khoản phí kha khá trong các thương vụ khổng lồ, nhưng hoa hồng lên đến 1/3 giá trị thương vụ, cao gấp 30 lần mức thông thường khiến người ta không khỏi nghi ngờ. Năm 2009, ban quản trị Olympus thuê kiểm toán viên kiểm lại các thương vụ và các khoản thanh toán và đưa ra kết luận các vị giám đốc không làm điều gì sai trái.

Đầu năm nay, Micheal Woodford, công dân Anh và là nhân viên kỳ cựu 30 năm ở Olympus, được đề bạt lên làm Chủ tịch và sau đó là CEO công ty. Tại Nhật Bản, hiếm hoi lắm một gaijin (ngoại nhân) như Woodford mới được chọn làm người đứng đầu công ty nội địa.

Thế nhưng ngày 11-10, ông này yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ về các thương vụ khả nghi, đề nghị Chủ tịch (cựu CEO) Tsuyoshi Kikukawa và các thành viên ban quản trị từ chức vì “có những lỗi nghiêm trọng và quyết định tồi tệ bất thường”.

Phản ứng lại, ngày 14-10, ban quản trị Olympus sa thải Woodford với lý do những đòi hỏi của Woodford “không thể tha thứ”, đồng thời gắn mác Woodford là gaijin “không ưa Nhật Bản”.

Woodford ấm ức tố cáo những sai trái trong các thương vụ M&A của Olympus ra trước công luận. Cổ phiếu Olympus lao dốc liên tục, mất một nửa thị giá, Kikukawa phải ra đi. Cục điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) và Văn phòng Chống gian lận nghiêm trọng của Anh cũng đã vào cuộc điều tra Olympus.

Olympus, một công ty có tên tuổi trên thị trường chứng khoán, đã chi cả núi tiền mua những công ty doanh thu không có, tài sản mập mờ. Xì căng đan Olympus được đem ra so sánh với việc các tổ chức tài chính lớn ở phương Tây đem tiền cho khách hàng (thiếu khả năng trả nợ) vay một cách vô tội vạ, để rồi khi khách hàng vỡ nợ, nhà cho vay bất cẩn đó lại được chính phủ cứu trợ bằng những đồng tiền thuế của người dân.

Trong cuộc họp báo mới đây, tân Chủ tịch Olympus Shuichi Takayama đã cúi gập người xin lỗi và cho biết Olympus vẫn đang tiếp tục điều tra những khoản thua lỗ đầu tư trong quá khứ. Ông Takayama cũng cho biết Phó Chủ tịch Hisashi Mori đã bị sa thải vì liên quan đến việc che giấu thua lỗ.

Cái sai của Olympus quá lớn và đáng xấu hổ, đến mức Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda phải lên tiếng cải chính: “Đây chỉ là bê bối của một công ty. Xã hội Nhật Bản không như thế. Và không nên đánh giá Nhật Bản qua những hành vi của một công ty”.

Các tin khác