Obama - Thách thức nhiệm kỳ 2

“Four more years” (thêm 4 năm), đương kim Tổng thống Barack Obama đã reo lên như thế trên tài khoản Twitter của mình chỉ vài phút sau khi kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy ông đã giành đủ phiếu đại cử tri để đánh bại đối thủ Mitt Romney và tiếp tục làm ông chủ Nhà Trắng 4 năm tới.

“Four more years” (thêm 4 năm), đương kim Tổng thống Barack Obama đã reo lên như thế trên tài khoản Twitter của mình chỉ vài phút sau khi kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy ông đã giành đủ phiếu đại cử tri để đánh bại đối thủ Mitt Romney và tiếp tục làm ông chủ Nhà Trắng 4 năm tới.

Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ ngày 6-11 đã diễn ra hết sức cam go, gay cấn đến phút chót. Ông Obama thắng lợi kép về số phiếu đại cử tri (Obama 303, Romney 206) và cả số phiếu bầu phổ thông (Obama 50%, Romney 48%).

Tỷ lệ phân chia số ghế ở Hạ viện nghiêng về Đảng Cộng hòa với 226 ghế, Đảng Dân chủ được 177 ghế. Ngược lại, ở Thượng viện, Đảng Dân chủ chiếm ưu thế với 51 ghế, Đảng Cộng hòa được 45 ghế. Người dân Hoa Kỳ đã cho Obama thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa để tiếp tục các mục tiêu còn dang dở. Dự kiến, Tổng thống Barack Obama sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2 vào ngày 20-1-2013.

Tổng thống Barack mừng chiến thắng.

Tổng thống Barack  mừng chiến thắng.

Tiếp tục nhiệm kỳ 2, Tổng thống Obama sẽ phải đối phó với một loạt vấn đề đau đầu. Đó là những tranh cãi về thuế, chi tiêu, nợ công.

Đầu tiên, chương trình giảm thuế của Tổng thống Bush sẽ hết hạn vào ngày 31-12, tức thuế sẽ được nâng lại ngang mức thời Tổng thống Clinton nếu không có chính sách mới được thông qua.

Thứ hai, việc cắt giảm tự động 1.200 tỷ USD ngân sách cũng sẽ được khởi động trừ khi Quốc hội tìm được phương pháp bù đắp ngân sách.

Thứ ba, Hoa Kỳ sẽ chạm trần nợ mới vào giữa mùa xuân tới. Tất cả những sự kiện này được ví như “vực sâu tài chính” mà ông Obama phải đối mặt ngay sau khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai.

Lưỡng đảng đồng ý rằng giải pháp tốt nhất cho 3 cuộc “khủng hoảng” tài chính sắp tới là phải tiến hành một cuộc cải tổ quy mô lớn đối với chi tiêu chính phủ và tìm kiếm thêm nguồn thu ngân sách, bao gồm cả việc thay đổi hệ thống thuế cá nhân. Các quan chức Chính phủ khẳng định Tổng thống sẽ phủ quyết bất kỳ gói đề xuất nào gia hạn việc giảm thuế cho những người có thu nhập từ 250.000USD/năm trở lên.

Giám đốc chính sách trong chiến dịch tranh cử của Obama, ông James Kvaal, cho biết Tổng thống muốn một kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách thêm 4.000 tỷ USD, đồng thời giảm chi tiêu đối với các chương trình bảo hiểm y tế Medicare, Medicaid và các chương trình phúc lợi khác.

Tiếp đó, là vấn đề kéo giảm thất nghiệp và thúc đẩy hồi phục tăng trưởng kinh tế. Về mặt đối ngoại, ông Obama phải tính đến chuyện thực hiện lời hứa đưa binh sĩ Hoa Kỳ ở Afghanistan về nước vào cuối năm 2014 nhưng phải bảo đảm vẫn giữ được những thành quả của cuộc chiến chống Taliban tại đây.

Cùng lúc, ông Obama phải nghĩ tới vai trò của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn Iran phát triển chương trình hạt nhân, bảo vệ an ninh của Israel và chấm dứt bạo động tại Syria. Song song đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ phải có đối sách mới với sự thay đổi thế hệ lãnh đạo của nền kinh tế đang lên Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.

Trong nhiệm kỳ 1, dù không xuất sắc như mong đợi, nhưng ông Obama đã thành công trong việc đưa nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng trở lại (2% vào quý III-2012), từ mức -5,3% (quý I-2009); tỷ lệ thất nghiệp từ 10% (năm 2009) còn 7,9% (tháng 10-2012); tăng trưởng việc làm theo tháng từ giảm 818.000 việc làm (tháng 1-2009) lên tăng 171.000 (tháng 10-2012); giá nhà bình quân từ 175.500USD/căn (quý I-2009) lên 185.000USD/căn (quý II-2012); số nhà bị siết từ mức cao 100.000 căn/tháng (năm 2009) xuống 53.569 căn vào tháng 10-2012; chỉ số S&P 500 từ mức 931,8 điểm (tháng 2-2009) lên 1.414,2 điểm (tháng 11-2012)…

Các tin khác