Nông trại Anh thiếu hụt nhân công

(ĐTTCO) - “Người Anh không muốn làm việc ở nông trại, vậy ai sẽ làm sau Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu)?” Tờ Independent đã nêu lên thực trạng thiếu hụt nhân công tại các nông trại ở xứ sương mù. 
Nước Anh ngày nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài để thu hoạch rau, củ, quả. Theo Liên hiệp Các chủ nông trại quốc gia, trong tổng số 60.000 lao động làm việc theo mùa tại các nông trại trong năm ngoái, chỉ khoảng 1% là nông dân Anh, còn đa số đến từ các nước Đông Âu, đặc biệt là Bulgaria và Romania.
Điều này làm dấy lên quan ngại về tình trạng thiếu hụt lao động trong mùa thu hoạch cây trái và đặt ra bài toán khó cho các chủ nông trại tìm kiếm nguồn lao động thay thế sau khi Brexit diễn ra, bởi khi đó việc đi lại tự do giữa Anh và các nước EU sẽ khó khăn hơn. 
Khi Anh còn là thành viên EU, nước này mở rộng cửa tự do đi lại giữa các thành viên, bao gồm cả những người lao động làm việc theo mùa tại các nông trại. Những người lao động này thường đến Anh làm việc trong 4-5 tháng, và sau đó trở lại quê nhà vào mùa đông. Tuy nhiên, việc Anh chuẩn bị rời EU đồng nghĩa với việc giai đoạn di chuyển tự do kết thúc, các chủ nông trại phải đau đầu với câu hỏi ai sẽ giúp họ thu hoạch vụ xuân tới đây.  
Nông trại Anh thiếu hụt nhân công ảnh 1 Thu hoạch táo tại Anh.  
Tình trạng thiếu lao động đã khiến nhiều trang trại trồng cây ăn quả ở Anh chín hỏng mà không có người thu hoạch. Giám đốc điều hành mạng lưới nhà vườn Berry Gardens, ông Jacqui Green cho biết năm nay mạng lưới của ông thiếu hụt khoảng 30-40% nhân công. Tình hình có thể xấu đi cùng với những cam kết của Thủ tướng Theresa May về kiểm soát biên giới và hạn chế nhập cư.
Những người chỉ trích Brexit cho rằng Anh đang rất cần lao động nước ngoài, không chỉ những người giỏi nhất trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và dược phẩm được Thủ tướng May cam kết sẽ vẫn đón nhận, mà cả những người lao động có tay nghề thấp. Trong trường hợp khó tìm nguồn nhân công từ châu Âu, các chủ nông trại sẽ phải tìm nguồn lao động thay thế bản địa, hoặc từ Belarus hay Philippines. Hiện có nhiều kiến nghị chính phủ Anh nên khôi phục lại chương trình tuyển nhân công nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. 
Bà Stephanie Maurel, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng lao động Concordia, cho biết họ hiện gần như không có nguồn cung ứng lao động người bản địa. Concordia hiện cung cấp lao động cho khoảng 200 nông trại Anh và trong số 10.000 đơn xin việc tiếp nhận, chỉ có 2 đơn từ người lao động Anh. 
Nói về việc lao động tại nông trại, Max Hughes, sinh viên đại học ngành sử 20 tuổi, cho biết cậu cùng 3 sinh viên đại học khác là những người Anh duy nhất trong tổng số 300 nhân công đang thu hoạch mùa vụ tại nông trại gia đình nhà Snell. Đối với Hughes, ngày làm việc bắt đầu lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc cuối chiều.
Với 6 tuần làm việc, 6 ngày mỗi tuần, Hughes nhận được tổng cộng hơn 3.000 bảng (khoảng 3.900USD), bao gồm tiền công, làm thêm giờ và thưởng năng suất. Max cho biết công việc tuy vất vả nhưng quả thật thu nhập không tồi. Tuy nhiên, Max cũng thừa nhận, không phải người Anh nào cũng muốn lao động ở nông trại. Lý do vì đây là công việc của người nhập cư nghèo và chỉ là công việc vụ mùa. 
Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, theo dự báo của tổ chức City and Guilds, dự kiến Anh sẽ cần bổ sung một lượng lớn lao động có tay nghề để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong 5 năm tới. Nghiên cứu được thực hiện với giám đốc điều hành của hơn 1.000 công ty tuyển dụng cho thấy, gần 1/2 trong tổng số các công ty tham gia điều tra khẳng định họ mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm các công nhân lành nghề. Nhìn chung, Brexit được đánh giá đã tác động đến quá trình sản xuất và vận hành của 46% công ty.

Các tin khác