Nóng bỏng Đông Bắc Á (K2): Mịt mờ liệu pháp giảm nhiệt

(ĐTTCO) - Tờ New York Times đăng bài phỏng vấn Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker (bang Tennessee), có nội dung chỉ trích Tổng thống D. Trump, cho rằng đương kim Tổng thống Hoa Kỳ đang điều hành đất nước như một “chương trình truyền hình thực tế” (reality show) và những tuyên bố của ông có thể đẩy Hoa Kỳ vào con đường dẫn đến Thế chiến III.
 “Ông ấy khiến tôi lo ngại và ông ấy gây lo ngại cho bất cứ ai quan tâm đến đất nước chúng ta. Tôi không nghĩ rằng ông ấy nhận thức được những gì mà Tổng thống Hoa Kỳ nói và làm, cũng như ảnh hưởng của nó trên toàn thế giới”. 
Căng thẳng leo thang
Nguồn tin báo chí mới đây cho biết Hoa Kỳ tiếp tục đưa tàu ngầm Michigan có trang bị vũ khí hạt nhân đến Hàn Quốc cùng với hiện diện của tàu sân bay R. Reagan đang có mặt tại nước này. Điều này được cho là quyết tâm của Tổng thống D.Trump nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tàu ngầm Michigan có khả năng mang theo 154 tên lửa Tomahawk, cùng diễn tập quân sự với các lực lượng quân đội Hàn Quốc, sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất, trong đó bao gồm nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự.
Trong khi đó Reuters đưa tin nhiều nhà phân tích dự đoán Bình Nhưỡng có thể phóng thêm đợt phóng tên lửa tầm xa mới, có thể bắn xa tới bờ biển phía Tây Hoa Kỳ. Điều này có thể xảy ra vì trước nay Triều Tiên vẫn luôn hành động mà không báo trước điều gì. Reuters cũng dẫn nguồn tin giấu tên cho biết vũ khí từ các cơ sở nghiên cứu và phát triển tên lửa ở Sanumdong gần đây đã được chuyển ra thực địa.
Trong một bài xã luận mới nhất đăng tải, hãng thông tấn Triều Tiên tiếp tục chỉ trích lập trường của Hoa Kỳ, cáo buộc “Washington mượn danh cuộc chiến chống khủng bố như một phương thức để lật đổ các chính phủ thù địch. Hoa Kỳ như một con tắc kè hoa luôn thay đổi màu sắc để thực hiện âm mưu lật đổ các nước. Do đó, Bình Nhưỡng sẽ không xem xét từ bỏ chương trình hạt nhân của mình”.
Theo phân tích của North 38 thuộc Viện nghiên cứu Hoa Kỳ-Triều Tiên của Johns Hopkins, một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể gây ra hậu quả lớn khi phá hủy các thành phố đông dân cư, giết chết hàng triệu người. Các chuyên gia tin rằng Triều Tiên đang có 60 đầu đạn hạt nhân, 200 bệ phóng tên lửa tầm trung và tầm gần với sức công phá khác nhau. Theo báo cáo, số lượng thương vong gây ra từ vụ nổ hạt nhân nếu nhắm vào Seoul và Tokyo có thể từ 400.000 đến 2 triệu người. Nếu là bom nhiệt hạch, con số sẽ lên đến từ 1,3-3,8 triệu người.
Vậy nếu Hoa Kỳ tấn công phủ đầu, giải quyết cuộc khủng hoảng với Triều Tiên thì sao? Chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho rằng một khi quyết định tấn công, Washington có 2 cách để loại bỏ mối đe dọa hạt nhận của Bình Nhưỡng. Một là, tấn công thông thường bằng việc sử dụng tên lửa hành trình nhằm vào các cơ sở hạt nhân cố định dựa trên tin tức tình báo. Tuy nhiên giải pháp này khó hủy diệt các bệ phóng di động và cơ sở hạt nhân kiên cố nằm sâu trong lòng đất.
Hai là, dùng vũ khí hạt nhân để loại bỏ các cơ sở hạt nhân Triều Tiên. Để thực hiện đòn tấn công, máy bay quân sự hiện đại của Hoa Kỳ phải xâm nhập không phận Triều Tiên nhằm vào các cơ sở quân sự trọng yếu và ném bom nhiệt hạch. Tuy nhiên, ngay cả phương án này cũng có nhiều hạn chế trong việc phá hủy các mục tiêu ngầm trong lòng đất.
Mặt khác, nếu tung đòn phủ đầu, Hoa Kỹ cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trên trường quốc tế và quan hệ giữa Hoa Kỳ với đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có khả năng bị rung lắc, thay đổi vị thế địa chiến lược. Bởi nếu chiến tranh xảy ra, 2 nước kề sát và đối trọng với Triều Tiên sẽ là những nước bị thiệt hại nhiều nhất.

Không từ bỏ vũ khí hạt nhân
Trước việc Hội đồng Bảo an LHQ tiếp tục ra nghị quyết trừng phạt mạnh mẽ hơn và phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo mới, các động thái cho thấy Bình Nhưỡng vẫn không rút ý định trở thành “quốc gia sở hữu bom hạt nhân”.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA còn đáp trả: “Hoa Kỳ và lực lượng bù nhìn Hàn Quốc đã sai lầm nếu họ nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt và gây sức ép có thể ngăn cản Triều Tiên không đạt được mục tiêu của mình. Hoa Kỳ cùng các lực lượng chư hầu cần nhớ rằng những lệnh trừng phạt điên rồ, đi ngược với xu hướng thời đại, sẽ dẫn đến sự diệt vong của họ”.
Triều Tiên cũng phê phán Hiệp ước đồng minh quốc phòng Hoa Kỳ-Hàn Quốc là một mưu đồ xâm lược nước này, đang gây ra tình hình căng thẳng nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên, có thể xảy ra cuộc chiến tranh bất cứ lúc nào.
Vậy, vì sao Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân? Từ góc nhìn bên ngoài, trả lời phỏng vấn báo Sputnik, GS.TS Vladimir Kolotov của Đại học Tổng hợp Saint Petersburg (Nga) nêu quan điểm Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục tiếp nối các cuộc thử vũ khí là do không bên nào tin bên nào, không bên nào nhường bên nào.
Bình Nhưỡng cố gắng phô trương sức mạnh bởi Hàn Quốc công nhiên tuyên bố phải lật đổ chế độ ở Triều Tiên, Hoa Kỳ trong nhiều năm vẫn răn đe, cổ súy cho việc này. Vị chuyên gia này dẫn chứng Saddam Hussein, Muammar Gaddafi, Slobodan Milosevic không yên thân, phải chết nếu chống Hoa Kỳ, mặc dù các nước này đều không có chương trình tên lửa như Triều Tiên. Còn đất nước họ thì lâm vào tình trạng tồi tệ hơn sau khi có sự can thiệp của Hoa Kỳ.
“Hoa Kỳ rất thạo chiêu gán tội cho người khác nên Triều Tiên buộc phải bắt tay thực hiện chương trình tên lửa, trước hết chính vì sự sống còn của mình. Tình hình diễn biến rất không bình thường. Nếu Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản đưa ra đảm bảo rằng họ sẽ không xâm nhập vào Triều Tiên, không lật đổ chế độ, khi ấy sẽ chẳng còn cần chương trình tên lửa nữa. Và tất cả sẽ bình tâm, vấn đề ở đây là chẳng ai tin ai” - ông Kolotov đúc kết.
Chuyên gia Colin Alexander, giảng viên cao cấp Đại học Nottingham Trent (Anh) cũng có quan điểm riêng về vấn đề này: Vũ khí hạt nhân không phải được tạo ra với mục đích sử dụng. Đó là công cụ răn đe mạnh mẽ. Và lý do Triều Tiên muốn phát triển vũ khí hạt nhân bởi Hoa Kỳ cũng có loại vũ khí này để tấn công Triều Tiên.
“Quan điểm của Triều Tiên là Hoa Kỳ và các đồng minh muốn bắt cả thế giới phải “nhảy theo điệu nhảy của mình”. Triều Tiên muốn chống lại điều đó, bảo vệ đất nước và văn hóa truyền thống của mình, không muốn kiểu sống như phương Tây” - ông Alexander giải thích. Dựa trên quan điểm này, ông Alexander cho rằng Triều Tiên không coi việc sở hữu vũ khí hạt nhân là tự sát và sẽ tiếp tục phát triển, dù ông Trump có đe dọa như thế nào. Triều Tiên cũng sẽ không tấn công Nhật Bản, Hàn Quốc trước. Vì họ sẽ không làm điều để Hoa Kỳ có cớ hủy hoại nước mình!
Đó cũng là quan điểm của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, cho rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng tự vệ nếu phát hiện Hoa Kỳ có bất kỳ dấu hiệu nào tấn công các nơi trọng yếu chống Triều Tiên.
Lãnh đạo Kim Jong un thường đích thân giám sát các vụ phóng tên lửa đạn đạo, đã tuyên bố: Mục đích của Triều Tiên là thiết lập sự cân bằng sức mạnh thật sự với Hoa Kỳ, và khiến những kẻ thống trị không dám huênh hoang về sự lựa chọn quân sự với Triều Tiên. “Chúng ta sẽ cho những kẻ mang tư tưởng nước lớn thấy rõ cách thức chúng ta đạt được mục tiêu hoàn thiện sức mạnh hạt nhân, bất chấp sự phong tỏa và cấm vận vô hạn của chúng” - ông Kim Jong un tuyên bố.
Nóng bỏng Đông Bắc Á (K2): Mịt mờ liệu pháp giảm nhiệt ảnh 1 9 tháng sau khi lên cầm quyền, dự án xây dựng bức tường ngăn cách Hoa Kỳ-Mexico của tân Tổng thống vẫn là ý tưởng xa vời. 
Cục diện rối bời
Giới quan sát quốc tế cho rằng các tuyên bố mạnh mẽ về việc hủy diệt Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang đi vào tình thế bế tắc trong việc giải quyết vấn đề. Tổng thống D. Trump hiện nay không phải chỉ đối đầu căng thẳng ở Đông Bắc Á với các liệu pháp giảm nhiệt không rõ ràng, mà còn chật vật với các điểm nóng nhiều nơi trên thế giới.
Ông Dennis Rose, cố vấn nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ và từng phụ trách tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông, lý giải: “Việc Nga can thiệp thành công quân sự ở Syria đã làm thay đổi thực tế và cán cân quyền lực tại khu vực này. Putin đã thành công trong việc biến Nga thành một nhân tố quan trọng ở Trung Đông. Đó là lý do bạn thấy nguyên thủ các nước Trung Đông liên tục công du đến Nga thời gian gần đây”.
Cục diện cuộc chiến tại Syria đã tạo nên một lực lượng mà ngay cả Hoa Kỳ cũng không lường tới: tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Lực lượng này có thể gây nguy hại đến nước Nga khiến Moscow hành động. Tổng thống Putin đã cử quân đội sang hỗ trợ và bảo vệ lãnh thổ, định hình lại sức mạnh lực lượng ở Trung Đông. Chiến dịch quân sự của Nga thành công đã tạo nên sức thuyết phục to lớn với các nước. Sự chuyển biến trong quan hệ hợp tác giữa Nga-Syria-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran-Qatar đã tạo một khối liên minh có ảnh hưởng rộng lớn tại Trung Đông, đưa Hoa Kỳ vào thế lép vế. Hoa Kỳ hiện nay đang châm ngòi cho bất ổn ở Trung Đông khi tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng điều này không còn nhiều ý nghĩa, khi các nước châu Âu đang nỗ lực bảo vệ thỏa thuận này, dù D. Trump phản ứng ra sao EU cũng không cần thiết phải tuyên bố kết thúc thỏa thuận này.
Mới đây một cựu quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ lên tiếng, cho rằng với quan điểm “Hoa Kỳ trên hết” của Tổng thống D. Trump đã khiến Hoa Kỳ ngày càng cô lập hơn trên trường quốc tế.
Ông Scott Morris, người giám sát chính sách phát triển toàn cầu của Hoa Kỳ, nhận định: “Bạn có thể thấy Trung Quốc đang tìm cách phô trương Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng ngàn tỷ USD với việc tổ chức các sự kiện cấp cao. Và rồi các bạn thấy các quan chức Hoa Kỳ nói không với mọi thứ: Không với tham vọng tại WB, không đối với các thỏa thuận thương mại… Đây là thông điệp không thuyết phục được cộng đồng quốc tế, gây tổn hại tới chính Hoa Kỳ”.
Chuyên gia Morris cho rằng chính sách Hoa Kỳ trên hết không phải vậy, không phải là những điều đang chứng kiến. Chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống D. Trump khiến Hoa Kỳ ngày càng bị cô lập với quốc tế; các chính sách mới của tổng thống ở trong nước thì chưa đi đến đâu, kết quả vẫn chưa rõ ràng, trong khi vẫn lao vào phủ định các chính sách cũ của chính phủ tiền nhiệm làm nội vụ rối tung.
 Tính toán sai lầmsẽ dẫn đến thảm họa
Theo BBC, những lời lẽ đầy đe dọa mà Tổng thống D. Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong un đưa ra gần đây đã làm leo thang đáng kể căng thẳng giữa 2 nước, khiến nguy cơ nổ ra xung đột cao hơn bao giờ hết, và những hy vọng về giải pháp ngoại giao dường như trở nên xa vời. Các chuyên gia lo ngại, nếu Hoa Kỳ có những tính toán sai và sử dụng biện pháp quân sự với Triều Tiên để đạt được mục đích chiến lược của mình mà không tính đến các lợi ích của các nước đồng minh trong khu vực và các quốc gia lớn láng giềng của Triều Tiên, sẽ gây ra những biến động lớn, có thể hủy hoại sự ổn định và hợp tác giữa các quốc gia. Đó thật sự sẽ là một thảm họa. Với tình cảnh “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” như hiện nay giữa 2 nước và chưa có bất cứ nỗ lực nào để thảo luận với nhau, dù thông qua kênh cấp cao hay những cuộc gặp cấp thấp hơn, để kìm hãm những động thái nguy hiểm có thể xảy ra, dù triển vọng thành công là rất thấp.
Chỉ có chiến tranh mới giải quyết vấn đề như tuyên bố của Trump? Trong một phản ứng khác, mới đây Đại học Quinnipiac thực hiện khảo sát với 1.412 cử tri trên khắp Hoa Kỳ, đưa đến kết quả: 56% số người cho rằng Donald Trump không phù hợp để làm tổng thống Hoa Kỳ, chỉ có 42% ủng hộ; 57% người được hỏi cho rằng không hài lòng với những gì ông Trump đang làm, chỉ 36% hài lòng.

Các tin khác