Nhật Bản tung 126 tỷ USD kích thích kinh tế

Đây là nỗ lực nhằm đối phó với nguy cơ suy giảm ngày càng gia tăng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Đây là nỗ lực nhằm đối phó với nguy cơ suy giảm ngày càng gia tăng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Trong 1 thông báo được gửi đi hôm nay (19-9), NHTW Nhật Bản (BoJ) bất ngờ công bố mở rộng qui mô chương trình mua tài sản thêm 10 nghìn tỷ yên (tương đương 126 tỷ USD). Đây là nỗ lực nhằm đối phó với nguy cơ suy giảm ngày càng gia tăng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Theo đó, các quan chức đã nhất trí nâng qui mô chương trình mua tài sản mà chủ yếu là trái phiếu chính phủ của BoJ lên mức 55 nghìn tỷ yên.

Quỹ riêng biệt chuyên cấp tín dụng cho các ngân hàng được duy trì ở mức 25 nghìn tỷ yên. Con số 10 nghìn tỷ yên tăng lên hôm nay bao gồm 5.000 tỷ trái phiếu chính phủ và 5.000 tỷ trái phiếu kho bạc.

Đây là 1 động thái hoàn toàn bất ngờ được BoJ đưa ra. Trước đó, chỉ có 5 trong số 21 chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg dự đoán về điều này.

Với động thái ngày hôm nay, BoJ đã hòa cùng làn sóng kích thích kinh tế đang bùng nổ mạnh mẽ trên toàn cầu với những đợt nới lỏng chính sách tương tự của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay NHTW châu Âu (ECB).

Theo  Izuru Kato, chuyên gia kinh tế trưởng đến từ công ty nghiên cứu Totan Research có trụ sở đặt tại Hồng Kông, dù các NHTW có vô tình hay hữu ý, dường như đang có 1 cuộc chạy đua nới lỏng chính sách tiền tệ ở khắp nơi trên thế giới.

Kato nhận định Thống đốc của BoJ, ông Masaaki Shirakawa, dường như cũng không muốn bị coi là “lưỡng lự” trong cuộc đua này bởi với các biện pháp kích thích nở rộ trên thế giới, đồng yên sẽ có nguy cơ tăng giá và làm tổn hại đến nền kinh tế. 

Sau khi Fed tung ra gói nới lỏng định lượng QE3 hôm 13-9, đồng yên đã tăng lên mức 77,13 yên/USD, cao nhất trong 7 tháng.  Trong 5 năm trở lại đây, đồng yên đã tăng tổng cộng 47%, bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ ở mức 0 và 0,1%. Khối lượng trái phiếu được mua vào hàng tháng có trị giá 1,8 nghìn tỷ yên. BoJ cũng giảm đánh giá về tình hình kinh tế, nhận định rằng tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản đang bị khựng lại trong khi các nền kinh tế khác đã chuyển sang giai đoạn giảm tốc sâu hơn.

Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Jun Azumi hôm nay cũng nhận định  đợt nới lỏng chính sách này mạnh mẽ hơn so với dự đoán và nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía chính phủ. Các nhà làm luật đã liên tiếp kêu gọi BoJ hành động nhiều hơn nữa để kích thích tăng trưởng và chống lại tình trạng giảm phát dai dẳng.

Các nhà máy điện hạt nhân buộc phải đóng cửa, xuất khẩu yếu ớt, căng thẳng với Trung Quốc cùng với nguy cơ chính phủ hết tiền vào cuối năm đang là những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Nhật Bản. Trong khi đó, kinh tế của đất nước mặt trời mọc cũng đã suy giảm trong năm 2011 do thảm họa động đất sóng thần.

Theo Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế cao cấp tại JPMorgan Securities chi nhánh Tokyo, rất có thể BoJ sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách hơn nữa bởi trong thông báo lần này BoJ vẫn nhấn mạnh triển vọng kinh tế không chắc chắn.

Các tin khác