Nhật Bản phát hiện trữ lượng lớn đất hiếm

Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã phát hiện ra trong bùn dưới đáy biển Thái Bình Dương có nồng độ đất hiếm cao, với trữ lượng gấp 800 lần so với tổng trữ lượng đất hiến trên đất liền.

Nhật Bản hiện nhập khẩu tới 90% nhu cầu đất hiếm từ Trung Quốc, nếu khai thác được đất hiếm dưới đáy biển, nước này sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện thấy bùn có nồng độ các thành phần của đất hiếm (như Neodym) trên 400 ppm, phân bố tại nhiều địa điểm dưới đáy biển ở độ sâu từ 3.500-6.000m. Đặc biệt, bùn có nồng độ đất hiếm cao tập trung ở phía đông nam và giữa Thái Bình Dương.

Trữ lượng đất hiếm trong lớp bùn dày từ 8-23,6m dưới đáy biển ở những nơi khảo sát lên đến 88 tỷ tấn, gấp khoảng 800 lần so với tổng trữ lượng đất hiếm 110 triệu tấn trên đất liền. Nếu tính trữ lượng đất hiếm dưới đáy biển toàn bộ Thái Bình Dương, thì trữ lượng có thể gấp vài nghìn lần so với trên đất liền.

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản cũng cho biết nồng độ quặng đất hiếm của Trung Quốc từ 500-1.000 ppm, trong khi nồng độ đất hiếm cao nhất trong bùn dưới đáy biển lên tới 2.230 ppm.

Hơn một nửa lượng bùn chứa đất hiếm dưới đáy biển nằm ở các vùng biển quốc tế, nếu xin phép tổ chức quản lý đáy biển quốc tế thì có thể có quyền khai thác, nhưng do từ trước đến nay chưa có tiền lệ khai thác tài nguyên như vậy, nên cần có thời gian hình thành các thỏa thuận mang tính quốc tế.

Các chuyên gia Nhật Bản đang đặt mục tiêu tìm kiếm và phát hiện đất hiếm dưới đáy biển trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản để có thể sớm khai thác và giảm phụ thuộc vào nguồn đất hiếm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến hoài nghi rằng công nghệ khai thác tài nguyên dưới đáy biển chưa được xác định về mặt kinh tế và sức cạnh tranh về chi phí sản xuất so với khai thác trên đất liền sẽ trở thành vấn đề lớn.

Các tin khác