Nhật Bản lo ngại làm việc quá sức

(ĐTTCO) - Hatarakikata kaikaku (cải cách phong cách làm việc) là biện pháp, nỗ lực của chính phủ Nhật Bản để giải quyết vấn nạn karoshi (chết do làm việc quá sức).
 Hatarakikata kaikaku là cụm từ được Thủ tướng Shinzo Abe vận động trong thời gian gần đây để nói chung về các giải pháp như cắt giảm tình trạng làm việc ngoài giờ, cải thiện cân bằng công việc và cuộc sống, sử dụng tốt hơn các kỹ năng của lao động nữ và người cao tuổi.
Gia tăng vấn nạn karoshi
Trong giai đoạn tăng trưởng cao những năm 1960-1980, văn hóa làm việc bao gồm thời gian làm việc dài và hệ thống phân cấp cứng nhắc, đã đem lại thành công cho phát triển kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, văn hóa làm việc trở thành mối lo của quốc gia Đông Á này.
Theo thống kê, do bộ Lao động Nhật Bản công bố, năm 2016 có khoảng 150 vụ karoshi, bao gồm những vụ chết vì đau tim, đột quỵ và tự tử. Tuy nhiên, phản ánh của các nhà hoạt động xã hội cho biết con số thực tế còn cao hơn rất nhiều. Trong đó, gần 1/4 các công ty Nhật Bản có nhân viên làm thêm hơn 80 giờ/1 tháng và thường không được trả lương. Có đến 12% công ty có nhân viên làm thêm tới hơn 100 giờ/tháng. Những con số trên rất quan trọng, bởi nếu làm thêm 80 giờ đồng nghĩa với việc nguy cơ tử vong tăng cao.

Chính phủ Nhật Bản đang chịu sức ép phải thay đổi tình trạng này. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là có thể thay đổi hay không nền văn hóa đã tồn tại hàng thập kỷ qua. Số liệu thống kê, năng suất lao động của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong các quốc gia thuộc G7, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước đang phát triển (OECD). Và với lực lượng lao động đang già đi và thu hẹp dần, niềm hy vọng duy nhất của Nhật Bản để tăng trưởng kinh tế nằm ở khả năng tăng năng suất. 

Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một kế hoạch tìm cách hạn chế số giờ làm việc “quá tải” cho người lao động, nhằm giảm 30% số người tự tử trong 10 năm. Tỷ lệ tử vong tính trên 100.000 người vào năm 2015 là 18,5 và chính phủ muốn giảm tỷ lệ này xuống dưới 13 vào năm 2025. Kế hoạch được thông qua tại cuộc họp nội các trong tháng 7 vừa qua, là kế hoạch đầu tiên được đưa ra vào năm 2017 và sẽ được xem xét  lại mỗi 5 năm. Theo đó, chính phủ sẽ thúc đẩy hơn nữa các biện pháp chống lại các vụ tự tử liên quan đến công việc, trong đó cắt giảm giờ làm việc cực đoan và ngăn chặn nạn quấy rối bởi các ông chủ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, nhiều doanh nghiệp phải loại bỏ việc làm thêm ngoài giờ, thực hiện cải cách phong cách làm việc bằng cách buộc nhân viên phải rời công ty, tắt đèn văn phòng khi hết giờ làm việc theo quy định, hoặc yêu cầu nhân viên phải xin phép trước mới được làm việc muộn.
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra hàng loạt thay đổi bao gồm cho phép nhân viên làm việc từ xa, ở nhà, không cần đến công ty, thăng cấp cho nhân viên nữ và hỗ trợ cho các bậc cha mẹ đang làm việc bằng cách giảm giờ làm cho họ.
Để ngăn chặn các hành vi làm dụng như yêu cầu nhân viên làm quá thời gian không trả lương, chính phủ sẽ tăng cường thực thi các quy định về lao động. Để phong cách làm việc thực sự thay đổi, các công ty Nhật Bản sẽ phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của thời gian làm việc dài và năng suất thấp bao gồm quá nhiều cuộc họp, quá nhiều thủ tục và quản lý nghiêm ngặt từ người giám sát. 
Nhật Bản lo ngại làm việc quá sức ảnh 1  Nhật Bản tìm cách hạn chế số giờ làm việc “quá tải” cho người lao động. 
Cải cách việc làm
Trong một cuộc khảo sát 5.000 nhân viên mới đây, có 85,8% cho biết cải cách phong cách làm việc là khẩu hiệu đã nghe trên các phương tiện truyền thông hoặc từ các công ty khác từ lâu nay, nhưng công ty của họ không làm bất cứ điều gì về nó. Nhiều nhân viên cũng lo lắng những nỗ lực của chính phủ đang bị các công ty áp dụng sai.
Thí dụ, nhiều công ty loại bỏ làm việc ngoài giờ nhưng lại không điều chỉnh khối lượng công việc. Điều đó dẫn đến hệ quả mọi nhân viên phải đến làm việc sớm hơn, tranh thủ làm việc qua bữa trưa hoặc phải lén lút đem việc về nhà làm để hoàn thành khối lượng công việc được giao.
Một khó khăn khác là các tiêu chuẩn lâu đời trong văn hóa làm việc Nhật Bản, như giá trị tinh thần được đặt trong sự nỗ lực và hy sinh khuyến khích thời gian làm việc dài. Truyền thống Nhật Bản ủng hộ ngày làm việc kéo dài và chỉ coi trọng những nhân viên làm việc muộn. Các công ty cũng không muốn thực hiện đầu tư vào công nghệ để giúp cải thiện năng suất và cho phép nhân viên làm việc từ khắp mọi nơi. 

Hay như nỗ lực gần đây để các công ty cho phép nhân viên của họ rời khỏi nơi làm việc sớm vào ngày thứ 6 cuối cùng của tháng (được gọi là Premium Friday) đã thất bại thảm hại. Chính phủ cũng muốn nhân viên có thời gian đi du lịch nhiều hơn. Nhưng một cuộc khảo sát sau ngày thứ 6 cuối tháng vừa qua cho thấy chỉ 3,7% nhân viên thực sự rời khỏi công ty sớm, và tỷ lệ này đang tiếp tục xu hướng giảm trong những tháng sau đó. Tại Nhật Bản, theo luật nhân viên được cho phép nghỉ 20 ngày/1 năm, nhưng có khoảng 35% nhân viên cho biết không nghỉ ngày nào trong nhiều năm qua.

Chính quyền quận Toshima tại khu Tokyo cho biết họ đã phải sử dụng tới biện pháp tắt đèn công sở vào lúc 7 giờ tối để ép các nhân viên về nhà sớm hơn. "Chúng tôi muốn làm điều gì đó thực sự hữu ích. Nó không chỉ là về vấn đề cắt giảm giờ làm. Chúng tôi muốn mọi người làm việc chăm chỉ và hiệu quả để họ có thể đảm bảo được thời gian rảnh. Chúng tôi muốn thay đổi môi trường làm việc một cách hoàn toàn" - phụ trách chương trình Hitoshi Ueno cho biết.

Các nhà chỉ trích cho rằng chính phủ đang quá tập trung vào phát triển kinh tế và doanh nghiệp, thay vì quan tâm đến phúc lợi cho nhân viên. Trong lúc đó, ngày càng có nhiều thanh niên Nhật Bản đang chết vì kiệt sức. Các nhóm hỗ trợ gia đình người chết cũng có thêm nhiều thành viên mới. 

Các tin khác