Nhật Bản cân nhắc cho IMF vay 60 tỷ USD

Nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo đang cân nhắc cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vay 60 tỷ USD trong một bước đi khẩn cấp nhằm giúp tăng cường khả năng tài chính của tổ chức này chống lại ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo đang cân nhắc cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vay 60 tỷ USD trong một bước đi khẩn cấp nhằm giúp tăng cường khả năng tài chính của tổ chức này chống lại ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Tokyo đang thương lượng với một số thành viên chính của IMF như Trung Quốc và các nước châu Âu để đưa ra quyết định cuối cùng về các khoản đóng góp cho IMF trước khi diễn ra hội nghị bộ trưởng tài chính nhóm G-20 cuối tuần này tại Washington.

Nếu được thực hiện, khoản đóng góp của Nhật Bản sẽ là khoản đóng góp lớn nhất trong số các nước thành viên. Trung Quốc dự kiến sẽ đề nghị đóng góp một khoản tương tự, đứng đầu các nền kinh tế đang nổi. Một số nền kinh tế đang nổi vẫn đang kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu có thêm nỗ lực giúp chính họ.

Nhật Bản, nước nắm cổ phần lớn thứ 2 trong IMF sau Mỹ, đã thể hiện sự sẵn sàng dẫn dắt các cuộc thảo luận liên quan tại IMF và G-20 do Mỹ tỏ ra miễn cưỡng không muốn tham gia tích cực vào bất cứ hành động nào để tăng cường nguồn lực mới cho IMF.

Tokyo đã hoan nghênh quyết định mới đây của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro tạm thời tăng các quỹ bảo lãnh lên 700 tỷ Euro từ 500 tỷ Euro hiện nay để ngăn chặn ảnh hưởng xấu từ các vấn đề tài chính ở Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha lan sang các thành viên lớn hơn như Tây Ban Nha và Italy.

Mặc dù vẫn còn những lời kêu gọi EU làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng, G-20 có thể sẽ hoan nghênh việc tăng quỹ bảo lãnh khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc G-20 gặp nhau ngày 19 và 20-4 tại Washington bên lề các cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng thế giới.

Trước đó, IMF cho biết họ cần thêm nguồn vốn cho vay 500 tỷ USD và kêu gọi sự đóng góp của các nước thành viên để đáp ứng các nhu cầu tài chính toàn cầu trong những năm tới. Tuy nhiên, ngày 12-4, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cho rằng nhu cầu có thể không lớn như vậy do căng thẳng ở châu Âu đã dịu đi cũng như các rủi ro đã giảm bớt.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tham gia hội nghị tại Washington.

Các tin khác