Nhà “tiên tri” Roubini

Kể từ sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers, cái tên Nouriel Roubini - nhà “tiên tri” kinh tế - hầu như luôn xuất hiện trên các tạp chí kinh tế, tài chính khắp thế giới. Tiếng nói của Roubini luôn được nhiều người lắng nghe và có sức ảnh hưởng lớn, ngay cả với Nhà Trắng. Vậy, Roubini là ai?

Kể từ sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers, cái tên Nouriel Roubini - nhà “tiên tri” kinh tế - hầu như luôn xuất hiện trên các tạp chí kinh tế, tài chính khắp thế giới. Tiếng nói của Roubini luôn được nhiều người lắng nghe và có sức ảnh hưởng lớn, ngay cả với Nhà Trắng. Vậy, Roubini là ai?

Nouriel Roubini
Nouriel Roubini

Nhiều năm trước khi “bão Lehman” làm sụp đổ hệ thống tài chính toàn cầu, có một người bị cho là “dở hơi” khi đưa ra dự báo về điều này, đó là Nouriel Roubini - một người gốc Do Thái, sinh ra ở Iran, lớn lên ở Italia và làm việc tại Hoa Kỳ.

Hiện ông giảng dạy tại trường Stern School of Business, thuộc Đại học New York University và là Chủ tịch Công ty tư vấn Roubini Global Economics. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Roubini nghiên cứu những cuộc sụp đổ của các nền kinh tế đang nổi. Trên cơ sở đó, từ năm 2004 ông bắt đầu dự báo về những cuộc sụp đổ trong tương lai.

Tháng 9-2006, Roubini dự báo Hoa Kỳ sẽ bị vỡ bong bóng nhà đất: “Khi nguồn cung tăng, giá thành rớt. Đó là một điều luôn đúng trong suốt 110 năm qua, kể từ năm 1890. Nhưng từ năm 1997, giá bất động sản tăng khoảng 90%, trong khi không có yếu tố kinh tế nền tảng nào (thu nhập, nhập cư, lãi suất, dân số tăng) để hỗ trợ cho điều đó. Tức đang có một bong bóng đầu cơ. Và nay bong bóng đó bắt đầu vỡ”.

Trong số báo đầu năm 2006, tờ International Finance đăng bài viết của Roubini với nhan đề “Tại sao các ngân hàng trung ương vỡ bong bóng?”, khuyến cáo các ngân hàng trung ương cần hành động lập tức để ngăn chặn bong bóng tài sản.

Lúc đó, những cảnh báo của Roubini bị phớt lờ, thậm chí nhiều người cho rằng ông là “hâm hâm, dở dở”. Mãi đến khi cuộc khủng hoảng nhà đất ở Hoa Kỳ bùng phát, dẫn đến khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, người ta mới tiếc nuối vì đã không nghe ông sớm hơn.

Cũng trong năm 2006, Roubini dự báo Italia và một loạt nước khu vực đồng EUR như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp có thể phải rời bỏ khu vực đồng tiền chung EUR (Eurozone) nếu không tiến hành những “cải tổ kinh tế nghiêm túc”.

Roubini cho rằng nếu không có cải tổ và không rời bỏ Eurozone trong vòng 5 năm, Italia sẽ đối mặt với sa sút cạnh tranh do đồng tiền bị định giá quá cao so với nền kinh tế, dẫn đến xuất khẩu lao dốc và thâm hụt tài khoản vãng lai ngày một tăng. Tăng trưởng chậm lại sẽ gia tăng thâm hụt công và nợ ngày một trương phình khó trả…

Khi thế giới bắt đầu phục hồi sau khủng hoảng, Roubini lại đưa ra những dự báo bi quan. Và khi thị trường toàn cầu lao dốc vì cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và châu Âu, Roubini tiếp tục đưa ra các dự báo bi đát hơn về cuộc khủng hoảng nợ công trên thế giới.

“Chúng ta phải bắt đầu lo cho các chính phủ. Những gì đang diễn ra ở Hy Lạp hiện nay chỉ là bề nổi của tảng băng về các vấn đề nợ công ở Eurozone, Anh, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đây là vấn đề kế tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” - Roubini viết trên tờ Guardian của Anh. Tháng 11-2011, ông dự báo Eurozone có 45% nguy cơ sụp đổ và sẽ suy thoái trong vòng 6 tháng nữa.

Trong chuyến đi lần đầu tiên đến Trung Quốc, Roubini đưa ra dự báo làm phật lòng các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, khi cho rằng Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng”. Theo ông, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc hiện không bền vững khi tiêu thụ nội địa chỉ góp 1/3 GDP và có tỷ lệ nợ trên GDP là 80% (dù con số Bắc Kinh công bố là 18%).

“Trung Quốc cần chuyển dịch khỏi mô hình tăng trưởng hiện nay và tìm kiếm sự cân bằng như Indonesia, Ấn Độ hay Brazil” -  Nouriel Roubini khuyến cáo.

Do thường đưa ra các dự báo xấu như suy thoái, khủng hoảng, sụp đổ... Roubini bị giới truyền thông đặt biệt danh là “tiến sĩ bất hạnh” (Dr. Doom). Thế nhưng những dự báo của Dr. Doom chính là những gì đang diễn ra ở các nước Eurozone, Hoa Kỳ và toàn thế giới.

Các tin khác