Nguy cơ mới đe dọa ổn định tài chính toàn cầu

Các chuyên gia tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo 3 thách thức mới xuất hiện đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu, đặc biệt ở các nền kinh tế trưởng nhanh.

Thứ nhất, một loạt dữ liệu tài chính tiêu cực bất ngờ nổi lên mới đây đã buộc các nhà đầu tư đánh giá lại sự bền vững của phục hồi kinh tế thế giới. Các nguy cơ tái diễn suy thoái kinh tế thế giới đã tăng lên và bất cứ sự suy yếu nào trong triển vọng kinh tế toàn cầu cũng đe dọa làm trì trệ, thậm chí đảo ngược, những cải thiện trong cán cân thanh toán của các ngân hàng và các hộ gia đình.

Thứ hai, thế giới ngày càng lo ngại quyết tâm chính trị của châu Âu trong nỗ lực điều chỉnh kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng vốn đang trì trệ. Việc châu Âu chưa có một giải pháp toàn diện cho vấn đề này đã làm tăng áp lực từ các thị trường tài chính lên các chính phủ, gây lo ngại về khả năng lây truyền nguy cơ này ra toàn cầu. Những lo ngại về thị trường tài chính cũng tiếp tục tăng lên ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, do Mỹ vẫn bế tắc chính trị về trần nợ và giải pháp tài chính dài hạn.

Thứ ba, nguy cơ tiềm tàng về tác động của thời kỳ lãi suất thấp kéo dài, khiến giới đầu tư đánh giá thấp các hiểm họa trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận đầu tư, làm tăng nguy cơ mất cân bằng tài chính trong nền kinh tế toàn cầu.

Để loại bỏ ba nguy cơ trên, các nhà tài chính quốc tế kêu gọi các nước nỗ lực giải quyết tận gốc các thách thức tài chính còn tồn tại. Các nền kinh tế phát triển cần dỡ bỏ có trật tự gói tài chính, vốn là các đòn bẩy kích thích kinh tế chống khủng hoảng nhằm giảm nợ, trong khi các nền kinh tế mới nổi cần tập trung tái sử dụng các gói tài chính đòn bẩy kinh tế đồng nghĩa với tăng nợ để chống nguy cơ mất cân bằng tài chính và phát triển quá nóng của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, nguy cơ bất ổn tài chính đã tăng lên từ tháng 4-2011, khi thế giới bước vào giai đoạn chính trị của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và cần những quyết định quyết đoán vì những cánh cửa hành động chính sách kích cầu đã đóng lại. Các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi cần khẩn cấp tăng cường các nỗ lực giữ vững ổn định tài chính cũng như tốc độ phục hồi kinh tế.

Các tin khác