New Zealand chấn động vì khủng bố

(ĐTTCO) -  Ít nhất 49 người chết, 48 người bị thương, nghi phạm phát trực tiếp hành động tội ác. Ngày 15-3, 2 vụ tấn công khủng bố tại 2 đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, đã làm 49 người thiệt mạng, 48 người bị thương. 
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern gọi đây là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử New Zealand và yêu cầu cơ quan an ninh và tình báo nên xem xét lại việc giám sát những phần tử có quan điểm cực đoan.
Nghi phạm không thuộc tầm ngắm của cảnh sát
Hai vụ tấn công diễn ra chiều cùng ngày theo giờ địa phương. Nhóm tấn công đã nã súng tại 2 đền thờ có nhiều tín đồ Hồi giáo lui tới ở Christchurch. Một tay súng mặc quân phục mang theo khẩu súng tự động đã nã đạn vào đền thờ Masjid Al Noor. Vụ xả súng còn lại diễn ra tại đền thờ ở Linwood Masjid. Một nhân chứng có mặt tại nhà thờ Masjid Al Noor lúc vụ tấn công diễn ra cho biết, đối tượng xả súng là người da trắng, tóc vàng, đội mũ bảo hiểm và mặc áo chống đạn, xông vào nhà thờ lúc mọi người đang quỳ xuống cầu nguyện.
Phát biểu trước truyền thông, Thủ tướng Ardern khẳng định, New Zealand đã được đặt trong mức độ báo động an ninh cao nhất, đồng thời xác nhận 4 nghi phạm đã bị bắt sau vụ tấn công, trong đó có 3 người đàn ông và 1 phụ nữ. Thủ tướng Ardern cho biết, nhóm nghi phạm này có quan điểm cực đoan, nhưng không nằm trong danh sách theo dõi của cảnh sát. Theo cảnh sát New Zealand, vụ xả súng đã được lên kế hoạch hoàn hảo và cảnh báo nhiều khả năng vẫn còn những kẻ đồng phạm trong vụ xả súng tại thành phố Christchurch. Điều tra tại hiện trường đã phát hiện 2 thiết bị gây nổ trong xe của các tay súng tham gia vụ tấn công.
Một trong số 4 nghi phạm là Brenton Tarrant, 28 tuổi, tự nhận quốc tịch Australia. Tarrant vừa nổ súng vào những người đến nhà thờ, vừa phát trực tiếp khoảnh khắc kéo dài 17 phút trên Facebook. Trong lúc phát trực tiếp, nghi phạm đã để camera hướng vào mặt và lộ khuôn mặt của mình. Tài khoản Facebook mà nghi phạm dùng để phát sóng tên là Brenton Tarrant 9.
New Zealand chấn động vì khủng bố ảnh 1 Đưa người bị thương đến bệnh viện 
Theo Dailymail, nghi phạm đã đăng tải 87 trang tuyên bố trên Twitter trước khi thực hiện vụ nổ súng, tự gọi đây là “vụ tấn công khủng bố”. Brenton Tarrant thừa nhận được truyền cảm hứng bởi những tên sát nhân hàng loạt khác trong các vụ xả súng trước đây. Brenton Tarrant cũng tuyên bố không thích người Hồi giáo và ghét những người cải đạo vì họ là những kẻ phản bội dòng máu. Cảnh sát New Zealand cho biết đang xác thực đoạn video.
Cùng ngày, Cảnh sát trưởng New Zealand Mike Bush cho biết, 1 đối tượng nam độ tuổi 20 trong nhóm tấn công đã bị buộc tội giết người và sẽ bị đưa ra tòa vào sáng 16-3.
Câu hỏi về luật sở hữu súng
Sau khi thông tin về nghi phạm được công bố, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, kẻ xả súng đẫm máu tại Christchurch là phần tử cực đoan quá khích theo đường lối cánh hữu và ủng hộ khủng bố.  Theo Thủ tướng Scott Morrison, đối tượng trên sinh ra tại Australia. Ông Morrison cam kết Chính phủ Australia sẽ hỗ trợ điều tra vụ việc.
Vài tiếng sau vụ xả súng, cảnh sát New Zealand đã thông báo dỡ bỏ lệnh phong tỏa các trường học. Tuy nhiên, cảnh sát cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài do nhiều khả năng vẫn còn các đối tượng đang lẩn trốn. Theo CNN, vụ tấn công khủng bố đã làm dấy lên câu hỏi về luật sở hữu súng hiện nay ở New Zealand.
Theo Luật sở hữu súng của New Zealand, bất kỳ ai trên 16 tuổi đều có quyền nộp đơn xin được sở hữu súng. Sau khi trải qua khóa huấn luyện và vượt qua vòng kiểm tra của cảnh sát, người nộp đơn được cấp phép sử dụng súng. Cảnh sát New Zealand cho biết, chưa có con số thống kê đầy đủ về số lượng súng được người dân sử dụng bất hợp pháp ở nước này. Ước tính, có khoảng 1,2 triệu khẩu súng/4,6 triệu dân đã được bán ra tại New Zealand.
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới lên tiếng chỉ trích vụ tấn công, đồng thời bày tỏ sự chia sẻ trước sự mất mát của người dân New Zealand và cho biết sẵn sàng sát cánh cùng New Zealand chống lại những hành động khủng bố. Giới chức an ninh Anh, Pháp  tăng cường tuần tra tại khu vực các đền thờ trên toàn quốc và phát hướng dẫn tự vệ cho người dân khi đi cầu nguyện.
Chưa có thông tin công dân Việt Nam là nạn nhân
Được tin về 2 vụ xả súng làm nhiều người chết và bị thương tại New Zealand ngày 15-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi đến Toàn quyền New Zealand Dame Patsy Reddy, Thủ tướng Jacinda Ardern và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters.
Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand, tính đến 16 giờ cùng ngày, không có thông tin công dân Việt Nam là nạn nhân trong các vụ nổ súng ở thành phố Christchurch, New Zealand. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand tiếp tục theo dõi vụ việc, giữ liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để cập nhật thông tin và có các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. 
Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand: +6421898814 hoặc số điện thoại của Tổng đài bảo hộ công dân là: +84981 84 84 84.
THÀNH NAM

Đây là vụ xả súng có số thương vong lớn nhất tại New Zealand trong gần 30 năm qua. Vào năm 1990, 1 vụ xả súng diễn ra ở thị trấn Aramoana,  khu vực Dunedin, làm 13 người chết.  Theo Le Monde, từ năm 2014 đến 2017, New Zealand có 176 vụ giết người. Riêng năm 2017 có 35 vụ và năm 2016 là 50 vụ. Từ năm 2007 đến 2017, chỉ có 1 trong 10 vụ giết người có liên quan đến sử dụng súng. Theo phần khuyến cáo công dân khi đi du lịch của các nước Mỹ, Pháp… thì New Zealand là quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp, dùng súng giết người là hành động hiếm.

Các tin khác