Nếu quốc gia in thêm tiền giống DN phát hành cổ phiếu?

(ĐTTCO) - Trong 1 nghiên cứu mới được tổ chức phi lợi nhuận National Bureau of Economic Research (Mỹ) công bố, hai chuyên gia Patrick Bolton và Haizhou Huang đã làm 1 phép so sánh khác: giữa ngân sách Chính phủ với ngân sách của một công ty.
Nếu quốc gia in thêm tiền giống DN phát hành cổ phiếu?

Cách dễ dàng nhất để khiến 1 nhà kinh tế học nở nụ cười mỉa mai là hãy đem so sánh tình hình tài chính của 1 quốc gia với 1 hộ gia đình. Theo các nhà kinh tế học, đó là phép so sánh khập khiễng và các chính trị gia đã sai bét khi nói rằng một quốc gia “phải chi tiêu đúng với khả năng cho phép”.

Tuy nhiên, trong 1 nghiên cứu mới được tổ chức phi lợi nhuận National Bureau of Economic Research (Mỹ) công bố, hai chuyên gia Patrick Bolton và Haizhou Huang đã làm 1 phép so sánh khác: giữa ngân sáchChính phủ với ngân sách của một công ty.

1 doanh nghiệp có thể tự tài trợ cho bản thân bằng 3 cách: thông qua các nguồn nội lực (chính là doanh thu), qua vay mượn và thông qua vốn cổ phần (phát hành cổ phiếu mới). Trong 2 trường hợp đầu tiên, có thể dễ dàng liên tưởng đến động thái của một quốc gia: Chính phủ có thể huy động tiền từ thuế hoặc vay mượn dưới dạng trái phiếu.

Luận điểm gây bất ngờ nhất trong nghiên cứu này là coi cổ phiếu do 1 công ty phát hành giống như đồng tiền pháp định (fiat money, tức những tờ tiền giấy hoặc tiền xu được Chính phủ công nhận giá trị). Các Chính phủ có thể phát hành tiền pháp định – thứ được sử dụng để giàn xếp nợ và trả thuế. Trong khi vốn cổ phần xác thực quyền sở hữu của cổ đông với một phần tài sản và lợi nhuận của công ty, tiền pháp định xác nhận các công dân có quyền sở hữu đối với hàng hóa và dịch vụ mà quốc gia đó sản xuất ra.

Lạm phát cũng được diễn giải bằng 1 phép so sánh khác. Nếu 1 công ty phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư mới với giá thấp hơn giá trị thực, số cổ phiếu trong tay những cổ đông hiện hữu sẽ bị pha loãng. Tương tự, khi 1 quốc gia phát hành nhiều tiền hơn mà không thể tạo ra tăng trưởng sản lượng thực ngang bằng với sức mua của đồng tiền, số tiền đang lưu hành cũng sẽ bị giảm giá trị.

Khái niệm nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp – lý thuyết MM - cũng được áp dụng. Theo 2 nhà kinh tế học Franco Modigliani và Merton Miller, nếu như bỏ qua những yếu tố phức tạp như chi phí thuế và chi phí giao dịch, giá trị của 1 công ty sẽ không bị ảnh hưởng dù nó chọn phương thức huy động vốn như thế nào đi chăng nữa, bằng nợ hay bằng vốn cổ phần.

Nói cách khác, giá trị của 1 doanh nghiệp biểu trưng cho tổng giá trị của cổ phiếu và trái phiếu mà nó phát hành. Trái chủ sẽ có quyền ưu tiên so với cổ đông. Nếu công ty phát hành một lượng lớn trái phiếu, giá trị của công ty vẫn sẽ không thay đổi vì khi đó giá trị của cổ phiếu bị giảm xuống.

Đối với 1 quốc gia cũng tương tự như vậy. Giả định rằng 1 quốc gia muốn đầu tư để tăng năng suất. Nó có thể tài trợ cho các khoản đầu tư này bằng cách đi vay bằng ngoại tệ hoặc phát hành thêm tiền pháp định. Trong 1 nền kinh tế đơn giản nhất, 2 lựa chọn này sẽ cho ra kết quả giống nhau nếu áp dụng lý thuyết MM.

Tất nhiên trên thực tế thì câu chuyện phức tạp hơn mà một trong những nguyên nhân là tác dụng phụ của lạm phát. Giả sử trong trường hợp chia tách cổ phiếu, 1 công ty đang có 10 triệu cổ phiếu giao dịch ở mức 500 USD có thể phát hành thêm 10 triệu cổ, giá giảm xuống còn 250 USD/cổ và tổng giá trị của công ty không đổi. Không có ai thiệt hại.

Nếu các Chính phủ phát hành thêm tiền có thể đảm bảo quyền lợi công bằng cho mọi công dân, có thể áp dụng lập luận tương tự. Tuy nhiên, Chính phủ thường sử dụng tiền mới để mua các tài sản tài chính hoặc hàng hóa và dịch vụ, do đó không thể phân phối đồng đều.

Vay nợ cũng mang lại nhiều rủi ro. Một quốc gia có tỷ lệ nợ quá cao có thể phá sản, kéo theo đó là lãi suất phải trả tăng mạnh hoặc thậm chí là không thể tiếp cận thị trường tín dụng, gây ra những hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế. Do đó, các Chính phủ phải lựa chọn giữa nguy cơ lạm phát và vỡ nợ.

Những phép so sánh của Patrick Bolton và Haizhou Huang là khá hấp dẫn trong bối cảnh các NHTW trên toàn thế giới đã lạm dụng biện pháp nới lỏng định lượng để bơm lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008. Lạm phát đã không tăng quá mạnh như nhiều người lo sợ, do đó một số chuyên gia kinh tế cho rằng các nước phát triển sẽ gặp phải ít rào cản hơn khi tìm nguồn tài trợ cho các khoản chi tiêu, miễn là NHTW sẵn sàng phát hành tiền pháp định theo yêu cầu.

Dẫu vậy, niềm tin mới là nhân tố quan trọng. Các nước vẫn có thể tìm thấy những khách hàng tiềm năng muốn mua trái phiếu do họ phát hành hay coi trọng giá trị của đồng nội tệ. Tuy nhiên, đến một điểm nào đó, điều này không xảy ra nữa. Và dự đoán thời điểm đó là bao giờ luôn là công việc khó khăn cả đối với các chuyên gia kinh tế cũng như những người ngoại đạo.

Các tin khác