Hoa Kỳ - Việt Nam - Nhật Bản

Nâng tầm hợp tác thương mại

(ĐTTCO) - Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo ra làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp (DN) 2 cường quốc kinh tế này vào Việt Nam.
 Đây là nguồn ngoại lực rất quan trọng, kết hợp với phát huy nội lực sẽ phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong thời gian tới.
Hoa Kỳ: 12 tỷ USD ký kết hợp tác đầu tư

Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và là tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kể từ khi  2 nước có ban lãnh đạo mới. Trong 3 ngày (từ ngày 29 đến 31-5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc với 45 hoạt động.

Tại Thủ đô Washington, Thủ tướng đã hội đàm cùng Tổng thống Donald Trump, với sự tham gia của Phó Tổng thống M.Pence, các bộ trưởng, thành viên chủ chốt, quan trọng của chính quyền Hoa Kỳ, gặp gỡ báo chí; tiếp, làm việc với Bộ trưởng, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Thương mại; điện đàm với 4 nghị sĩ lãnh đạo của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, các Ủy ban của Quốc hội. 2 bên đã ra Tuyên bố chung, nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững vì lợi ích của 2 nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. 2 bên nhất trí ưu tiên hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư theo hướng hiệu quả và cùng có lợi, tiếp tục coi đây là trọng tâm và động lực của quan hệ nói chung, chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho DN 2 nước đầu tư, hợp tác, làm ăn. 

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian gặp gỡ, trao đổi với DN, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như ExxonMobil, Coca Cola, Nike, Boeing, ASG, McKinsey, General Electrics, Murphy Oil, Hilton; chứng kiến lễ trao đổi 19 hợp đồng, văn kiện thỏa thuận hợp tác do DN 2 bên ký kết trị giá khoảng 12 tỷ USD.
Trong đó, CTCP hàng không Vietjet và Công ty CFM International - liên doanh giữa Tập đoàn General Electric (GE) và Công ty động cơ máy bay Safran - đã ký hợp đồng trị giá 3,6 tỷ USD, cung cấp 215 động cơ máy bay kèm theo dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng trong vòng 12 năm. Cũng trong dịp này, Vietjet và Công ty GECAS thuộc Tập đoàn GE đã ký Bản ghi nhớ Hợp đồng cung cấp tài chính thuê mua tàu bay trị giá 1 tỷ USD cho 10 máy bay Vietjet đặt hàng từ các nhà sản xuất. Bên cạnh đó, Vietjet cũng ký kết với Tập đoàn Honeywell Aviation hợp đồng cung cấp và bảo dưỡng kỹ thuật động cơ phụ (APU) cho 98 tàu bay trị giá 180 triệu USD. Tại buổi tiếp ông Robert H. McCooey Jr, Phó Chủ tịch cấp cao của Sàn chứng khoán NASDAQ, Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo cáo lại thông tin về việc NASDAQ vừa ký kết Bản ghi nhớ với VNG về việc dự kiến niêm yết cổ phiếu của VNG tại NASDAQ.  Phó Chủ tịch cấp cao Robert H. McCooey Jr cũng cho biết NASDAQ rất ấn tượng với thành tích kinh doanh của VNG và tin tưởng sau khi niêm yết thành công trên NASDAQ, VNG sẽ là 1 điểm sáng trong mô hình startup tại Việt Nam. 
Nâng tầm hợp tác thương mại ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trao đổi với các DN, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ. 
Nhật Bản: ký kết thỏa thuận ghi nhớ 22 tỷ USD
Ngay sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, từ ngày 4 đến 8-6 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Nhật Bản. Thủ tướng đã hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, gặp gỡ lãnh đạo các giới chính trị, kinh tế Nhật Bản; cùng Thủ tướng Shinzo Abe tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, với sự tham dự của 1.600 đại biểu, DN, trong đó có 200 đại biểu DN Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao 36 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác MOU trị giá trên 22 tỷ USD. Trong đó có dự án Điện Nghi Sơn 2, trị giá 2,79 tỷ USD; dự án Trung tâm thương mại Aeon Hà Đông 200 triệu USD; sân golf Sakura Hải Phòng 40 triệu USD; dự án hợp tác của Vietjet Air 38 triệu USD; thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn TH và Tập đoàn ITEC của Nhật Bản về xây dựng Tổ hợp Y tế và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao.

Tại cuộc gặp riêng giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 2 bên nhất trí với nhau nhiều vấn đề cùng quan tâm. Trong các lĩnh vực hợp tác, 2 bên nhất trí ưu tiên hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực.
2 bên bày tỏ vui mừng và chứng kiến lễ ký kết Công hàm trao đổi vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 100,3 tỷ yên (gần 1 tỷ USD) trong năm tài khóa 2016 của Nhật Bản dành cho Việt Nam. Số vốn này là dành cho 4 dự án: Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải; quản lý nước ở Bến Tre; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa (giai đoạn 1); và phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc (giai đoạn 2). 2 bên đồng thời công bố 3 dự án viện trợ không hoàn lại trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai và đào tạo nguồn nhân lực.
Nâng tầm hợp tác thương mại ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shizo Abe tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam. 
Chào đón những người bạn Việt Nam
Tại các cuộc tiếp lãnh đạo các đoàn kinh tế lớn của Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hiệu quả của các dự án đầu tư của DN Hoa Kỳ tại Việt Nam và cho biết Chính phủ Việt Nam khuyến khích DN Hoa Kỳ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN nước ngoài, trong đó có các DN Hoa Kỳ làm ăn với Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp: “Việt Nam mong muốn duy trì và phát triển quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ. Thành công của các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng chính là thành công của chúng tôi. Việt Nam luôn chào đón và khuyến khích các bạn đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng của Việt Nam”.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin về những lĩnh vực công nghiệp Việt Nam đặt trọng tâm phát triển vượt bậc, như điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu, môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô…
Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư Nhật Bản sớm đầu tư vào các lĩnh vực này, đồng thời khẳng định tiềm năng hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong giai đoạn tới là vô hạn. Đây sẽ là cơ sở vững chắc thúc đẩy DN 2 nước, phát huy tối đa vai trò khởi xướng các ý tưởng mới, sáng tạo, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố, làm phong phú hơn mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Thủ tướng bày tỏ hy vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam: “Cánh cửa luôn rộng mở để chúng tôi cùng chia sẻ những cơ hội to lớn với các bạn Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ chất lượng cao, du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ hiện đại, hiệu quả, tiến trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam, phát triển DN khởi nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các tin khác