Mua máy bay làm Air Force One

(ĐTTCO) - Không lực Hoa Kỳ vừa hoàn tất thỏa thuận mua 2 máy bay có sẵn do hãng Boeing chế tạo để cải tiến thành chuyên cơ Air Force One cho Tổng thống Hoa Kỳ trong các thập niên tới, thay thế các Air Force One hiện nay đã sử dụng từ năm 1990.
 
"Không lực Hoa Kỳ đã ký một hợp đồng sửa đổi với Boeing để mua 2 máy bay thương mại 747-8 sau đó cải tiến trong tương lai thay thế 2 máy bay VC-25A phục vụ Tổng thống" - phát ngôn viên Không lực Hoa Kỳ Ann Stefanek tuyên bố. VC-25A là tên chính thức của quân đội Hoa Kỳ gọi chuyên cơ Air Force One.
Thỏa thuận này là một bước trong chương trình hiện đại hóa Air Force One sau khi Tổng thống Donald Trump vào tháng 12 năm ngoái đã chỉ trích chi phí nặng nề chương trình Air Force One rằng "chi phí vượt tầm kiểm soát" và dọa "hủy bỏ đơn đặt hàng", sau đó yêu cầu đàm phán với Boeing để cắt giảm chi phí.
Không lực Hoa Kỳ đã xem xét các tùy chọn mua máy bay có sẵn cải tiến thành Air Force One để cắt giảm chi phí. "Thỏa thuận này là một bước quan trọng hướng tới việc đảm bảo một chương trình chi phí vừa phải" - Phó Trợ lý Bộ trưởng Không lực Hoa Kỳ Darlene Costello cho biết.

Phát ngôn viên Boeing Caroline Hutcheson xác nhận 2 máy bay 747-8 ban đầu được dành cho Transaero Airlines, hãng hàng không của Nga hiện đã ngừng hoạt động sau khi phá sản vào tháng 10-2015. Transaero chưa bao giờ nhận 2 máy bay đã được bay thử nghiệm này. Các máy bay này vẫn thuộc sở hữu Boeing và chưa bao giờ được đưa ra khỏi Hoa Kỳ, hiện được đặt tại một kho máy bay ở Victorville, bang California. Boeing từng tìm cách bán 2 máy bay này trong hợp đồng với hãng Iran Air, nhưng Iran Air đã quyết định không chọn 747-8 và cả Airbus A380, những máy bay lớn nhất của Boeing và Airbus.
Chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Hoa Kỳ. 

Mua máy bay có sẵn để làm Air Force One giúp tiết kiệm chi phí, nhưng cần những cải tiến tốn kém và phức tạp để biến máy bay thành "pháo đài bay" dành cho Tổng thống Hoa Kỳ đi lại khắp thế giới. Không lực Hoa Kỳ cho biết, những cải tiến nâng cấp máy bay bao gồm hệ thống truyền thông, hệ thống điện, phòng y tế, nội thất, hệ thống tự phòng vệ, các khả năng hoạt động độc lập trên mặt đất, nghĩa là chuyên cơ mới chỉ có thể đưa vào hoạt động từ năm 2024.
Giám đốc chương trình hiện đại hóa máy bay Tổng thống Hoa Kỳ, Thiếu tướng Duke Richardson cho biết: "Thỏa thuận này giúp chúng tôi có thể thay đổi và thử nghiệm máy bay sẵn sàng cho sứ mệnh phục vụ Tổng thống vào năm 2024".

Không lực Hoa Kỳ không công bố giá mua lại 2 máy bay này, do Boeing xem là thông tin cạnh tranh nhạy cảm. "Boeing nói không muốn chúng tôi công bố điều đó vì họ bán các máy bay vì mục đích thương mại. Toàn bộ chi phí chương trình sẽ được công bố, ngoài giá thực của từng máy bay. Đó là một phần điều kiện bán trong thỏa thuận" - Bộ trưởng Không lực Hoa Kỳ Heather Wilson cho biết.
Các ủy ban quốc phòng của Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua kế hoạch chuyển 195 triệu USD trong các quỹ quốc phòng đã được thông qua trước đây sang năm nay để tăng tốc mua máy bay. Boeing đưa ra mức giá ưu đãi nếu hợp đồng được ký trong tháng 8 này. Mẫu máy bay này có giá công bố 386,8 triệu USD.

Theo ước tính mới nhất của Không lực Hoa Kỳ, chương trình Air Force One sẽ có chi phí 3,51 tỷ USD từ năm tài chính hiện nay đến năm tài chính 2022, chủ yếu chi cho nghiên cứu và phát triển.

Các tin khác