Mô hình quốc đảo Sư tử

(ĐTTCO) - Hiện nay nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á muốn học hỏi mô hình thành công của Singapore - một nền kinh tế thị trường có định hướng của nhà nước; một xã hội được kiểm soát nghiêm ngặt và dựa trên những giá trị châu Á như kỷ luật tự giác, và đặt gia đình hay cộng đồng lên trên quyền lợi cá nhân. 
Nhưng việc áp dụng kinh nghiệm của Singapore vào bối cảnh cụ thể của từng quốc gia, từng thành phố trong khu vực không phải là điều dễ dàng. Bởi lẽ hòn đảo bé nhỏ này có những đặc thù riêng của một thị quốc - vừa là thành phố, vừa là quốc gia - nên không phải giải quyết mâu thuẫn hoặc ràng buộc giữa trung ương với địa phương, hay những xung đột mang tính vùng miền. 
Thí dụ, Quốc hội Singapore được hình thành từ các ứng cử viên trúng cử là đảng viên PAP, và theo thể chế dân chủ đại nghị thừa hưởng từ người Anh. Theo đó, lãnh đạo chính đảng nào chiếm đa số sẽ có quyền làm thủ tướng và thành lập nội các. Để chuẩn bị cho mỗi lần bầu quốc hội, PAP tìm kiếm nhân tài là những cá nhân thành đạt đã khẳng định tài năng của mình trong hoạt động kinh tế - xã hội. Sau khi thắng cử, đảng viên PAP với vai trò mới là đại biểu quốc hội (ĐBQH) tự xây dựng chương trình gặp gỡ người dân hàng tuần hay vào các dịp lễ, thậm chí ngày gia đình người dân có việc riêng hay hiếu hỷ theo tập quán châu Á.
Mô hình quốc đảo Sư tử ảnh 1 Thủ tướng Lý Hiển Long (áo sơ mi trắng, ngồi giữa) tiếp một gia đình để xử lý đơn mua căn hộ HDB trong một buổi tiếp dân định kỳ. 
Đến Singapore nếu chịu khó quan sát ở những trung tâm cộng đồng hay sảnh trệt chung cư, bạn có thể thấy ĐBQH tiếp dân từ 7 giờ tối với đội ngũ tình nguyện của cộng đồng là những đảng viên PAP, hay cảm tình đảng. Thời gian dành cho việc tiếp mỗi người dân khoảng 7-10 phút. Việc gặp dân như thế không quy định giờ kết thúc, nên thường 1-2 giờ sáng ĐBQH mới ra về. Nhờ các buổi gặp gỡ này, nhiều khó khăn, vướng mắc của người dân Singapore đã được giải thích, hướng dẫn.
Trong trường hợp cần thiết tiếng nói của họ được nhanh chóng chuyển đến các cơ quan nhà nước có liên quan bằng văn bản, hay qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc qua mạng xã hội. Những buổi tiếp dân thường xuyên như trên của ĐBQH từ lâu đã trở thành thông lệ của ĐBQH tại Singapore, cho dù họ có là đảng viên PAP hay không. Mô hình này cũng được giới thiệu với các phái đoàn nước ngoài khi đến tham khảo và học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà nước Singapore. 
Về phân chia địa giới hành chính, Singapore hiện có 28 quận, được quản lý bởi Cục Quy hoạch đô thị (URA) và cơ quan bưu chính (2 con số đầu tiên của mã số bưu điện sẽ cho biết người dân đang sinh sống ở đâu). Singapore cũng có thị trưởng, nhưng quyền lực của những người này chỉ giới hạn trong việc chỉ đạo tư vấn các hội đồng đô thị trong việc quản lý các khu nhà ở chung cư do nhà nước xây (HDB). Các vấn đề như hộ tịch, đăng ký kết hôn được xử lý ở cơ quan duy nhất là Registry of Marriage (ROM), hoặc giấy khai sinh hay chứng tử có thể được cấp bởi bệnh viện, không cần phải qua cơ quan hành chính nào.
Điều đáng nói, bộ máy công quyền của Singapore luôn được cải thiện và đổi mới liên tục. Điển hình là chương trình cải cách hành chính cho thế kỷ 21 (PS21) đã được thực hiện với nhiều sáng tạo, cập nhật trong xu hướng phát triển công nghệ kỹ thuật số và truyền thông xã hội. Những cải cách hành chính công tại Singapore thành công là nhờ sự lãnh đạo về chính trị, tập trung đáp ứng những kỳ vọng thực tế của người dân và có những công cụ hiệu quả để theo dõi, đánh giá về hiệu quả xã hội lâu dài. 
Tuy nhiên, khác với lầm tưởng của nhiều người nước ngoài ngưỡng mộ mô hình phát triển của đảo quốc Sư tử, chính phủ Singapore không hẳn là nhà nước hợp lòng dân với triết lý lãnh đạo thực dụng. Một vài thí dụ có thể nêu là “sáng kiến” của Bộ trưởng Tài chính Ngô Khánh Thụy cách đây hơn 20 năm, khi đánh thuế lên tiền điện nước sinh hoạt của người dân để ngân sách chính phủ dồi dào hơn.
Một “phát minh” khác của ông Lý Quang Diệu là việc áp dụng hệ thống hạn ngạch phương tiện vận chuyển (VQS) kể từ tháng 5-1990, để kiểm soát tỷ lệ tăng trưởng xe trong thành phố. Hậu quả, người Singapore ngoài số tiền mua xe phải chi thêm số tiền không nhỏ cho cái gọi là “quyền sử dụng xe”. Thật ra bộ máy nhà nước Singapore không phải lúc nào cũng vận hành trơn tru, thỉnh thoảng cũng gặp một số sự cố, thậm chí cả tham nhũng hay biển thủ công quỹ của một vài “con sâu”. Tuy nhiên, ít ai nghi ngờ tính liêm khiết của chính phủ.
Singapore hiện đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới, trong khi lực lượng hậu sinh có bằng cấp, được trả lương cao nhưng vẫn còn non nớt về thực tiễn chính trị và không thể sánh với bậc tiền bối về uy tín quốc tế. Không ai dám nói trước về tương lai, nhưng chắc chắn chẳng ai quan tâm đến Singapore nếu đảo quốc này được điều hành bởi một chính đảng tham nhũng, lãnh đạo thiếu trình độ kỹ trị nhưng kiêu ngạo, tự mãn, lạm dụng quyền lực, mất gắn bó với người dân, xã hội bất bình đẳng và kinh tế suy thoái trong một thời gian dài.

Các tin khác